Teo tóp biệt thự xưa ở Huế

Cập nhật 04/01/2018 09:23

Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của Huế đã bày tỏ lo ngại khi hay tin trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh, là một biệt thự Pháp xưa rất đẹp, đang được giao cho một doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại.

Ngôi biệt thự Pháp đang là trụ sở của Liên hiệp Các hội VHNH tỉnh Thừa Thiên-Huế. ẢNH: B.N.L

Trang thông tin điện tử của Sở TN-MT Thừa Thiên-Huế vừa đăng tải thông tin cho biết ngày 28.10.2017, UBND tỉnh đã có Công văn số 7921/UBND-XTĐT thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP hạ tầng và dịch vụ truyền thông Logi 3 (viết tắt là Công ty Logi 3) nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26 - 28 Lê Lợi (P.Vĩnh Ninh, TP.Huế) theo đề xuất của Sở KH-ĐT.

Khu nhà đất ở số 26 - 28 Lê Lợi hiện là trụ sở của Sở Y tế và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, trong đó tòa nhà trụ sở Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh (26 Lê Lợi) mà các văn nghệ sĩ Huế vẫn gọi chung "ngôi nhà văn nghệ Huế" là một biệt thự xây dựng đầu thế kỷ 20. Tòa nhà từng xuống cấp và được sửa chữa vào khoảng năm 2000, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu.


Phối cảnh khu vực trục đường Lê Lợi, từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền trong dự thảo quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do tổ chức KOICA (Hàn Quốc) thực hiện

Nhà thơ Võ Quê (nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nguyên đại biểu HĐND tỉnh) cho rằng “đây là tin buồn của văn nghệ sĩ Huế”. Vì theo ông, ngôi nhà đã là nơi chốn đi về của bao lớp văn nghệ sĩ Huế từ nhiều thập niên qua, cũng là nơi giao lưu VHNT gắn với nhiều tên tuổi lớn trong nước và quốc tế. “Mình không chống đối chủ trương đầu tư phát triển của tỉnh nhưng đầu tư phải gắn liền với văn hóa. Bộ phận hành chính của hội có thể dời đi nơi khác nhưng ngôi nhà này phải được chỉnh trang và tô điểm lại thành địa chỉ văn hóa, có thể là nhà triển lãm, bảo tàng, trung tâm giao lưu VHNT... chứ không phải đâu cũng khách sạn, nhà hàng, thương mại”, ông Võ Quê nói.

Mất dần biệt thự pháp xưa

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, các ngôi nhà Pháp ở Huế bắt đầu xuất hiện từ sau Hiệp ước 1874. Chính phủ Nam triều buộc phải để cho Pháp xây dựng một tòa sứ ở bờ nam sông Hương tại vị trí Trường ĐH Sư phạm hiện thời, xây dựng xong vào năm 1878, về sau được nâng cấp thành tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Từ năm 1878 trở đi, nhất là sau sự kiện thất thủ kinh đô (1885), người Pháp đã xây dựng thêm nhiều công trình khác như: khách sạn Morin, nhà dây thép (bưu điện), nhà thương (bệnh viện), nhà đoan (hải quan), nhà băng, kho bạc, tòa công chánh (nay là Bảo tàng văn hóa Huế), nhà ga, dinh Công sứ (nay là Nhà văn hóa thiếu nhi), Trường Quốc học, Trường Đồng Khánh, Trường Pellerin (nay là Nhạc viện Huế)… Trong việc quy hoạch và xây dựng khu phố mới ấy, người Pháp rất có ý thức, tôn trọng giá trị tự nhiên của sông Hương nói riêng và vẻ đẹp hài hòa của tổng thể kiến trúc kinh đô Huế nói chung.

Theo số liệu thống kê vào năm 2000 TP.Huế còn lại 240 công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Đáng tiếc là từ đó đến nay, con số ấy đang “teo tóp”. Nhiều biệt thự trên đường Lý Thường Kiệt đã bị “thôn tính” khi các nhà đầu tư nhảy vào. Mới nhất là tòa nhà kiểu Pháp ở khu đất số 5 Lý Thường Kiệt trong khuôn viên khách sạn Heritage đã bị phá bỏ vào tháng 4.2017 (Thanh Niên đã có bài phản ánh).

Ông Nguyễn Việt Tiến, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế (nguyên Chủ tịch UBND TP.Huế, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng), cũng cho biết vấn đề bảo tồn quỹ kiến trúc Pháp, chủ yếu ở bờ nam sông Hương, đã được đặt ra từ hội thảo Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế do Hội Kiến trúc sư VN, UBND TP.Huế và Sở Xây dựng Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức vào năm 2003 và các sự kiện sau đó. “Tuy nhiên, không hiểu sao Sở Xây dựng vẫn chậm triển khai kiểm kê, đánh giá biệt thự Pháp xưa, do đó đến nay rất nhiều biệt thự đã bị mất dần. Đối với Huế đó là điều vô cùng đáng tiếc”, ông Tiến nói.

Văn nghệ sĩ có thể kiến nghị

Ông Phan Thanh Định, Giám đốc Sở KH-ĐT Thừa Thiên-Huế, cho biết theo chủ trương chung của tỉnh thì trục đường Lê Lợi (TP.Huế), phía giáp bờ sông Hương sẽ quy hoạch thành không gian VHNT, bảo tàng; bên trong sẽ là khu kêu gọi đầu tư với các khu dịch vụ du lịch cao cấp. Theo phương án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, do Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) đang thực hiện, đoạn đường Lê Lợi từ trục đường Hoàng Hoa Thám đến hết khu đất của Sở GD-ĐT hiện nay sẽ định hướng đầu tư khoảng 2 module công trình dịch vụ du lịch cao cấp. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quyết định đầu tư; trong khi đó Chính phủ cũng đang tạm ngưng việc bán, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà công sở trên toàn quốc.

“Với công trình kiến trúc như tòa nhà Pháp ở Liên hiệp Các hội VHNT, nếu các văn nghệ sĩ nhận thấy cần phải giữ lại thì cũng có thể kiến nghị với lãnh đạo tỉnh thông qua ý kiến đóng góp dự thảo Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, hoặc kiến nghị bằng văn bản thông qua Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh. Lãnh đạo tỉnh sẽ cân nhắc để quyết định. Việc kiến nghị này cũng nên đưa ra phương án, đề xuất hướng phát huy giá trị ngôi nhà. Còn khi một doanh nghiệp muốn nghiên cứu đầu tư, UBND tỉnh đồng ý cho phép họ nghiên cứu đưa ra phương án đầu tư cũng là điều bình thường”, ông Định nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên