Tây cũng được mua nhà

Cập nhật 07/07/2015 09:28

Phải đến bây giờ, quyền sở hữu bất động sản ở Việt Nam cho người nước ngoài mới được quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Quy định này sẽ cho phép tây mua nhà ở ta, cũng chính là giúp tạo thêm nguồn “cầu” mới cho thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở cao cấp.

Ngoại kiều và Việt kiều có thể mua căn hộ tại các chung cư như thế này

Lâu nay, không ít ngoại kiều và cả Việt kiều phàn nàn về việc không được mua nhà ở tại Việt Nam. Đã có những vụ kiện cáo vì mua chui nhà ở bằng cách nhờ người trong họ, người quen biết đứng tên mua hộ. Quá mù ra mưa, đã có kẻ “tham vàng bỏ ngãi”, chiếm luôn căn nhà mua giúp, giữ giùm. Người ta tị nạnh với việc dễ dàng mua nhà ở Roma, Paris, Berlin hay ở Washington. Nước nào cũng cho mua. Chỉ trừ Việt Nam!

TS Gautier Denis, một chuyên gia nông nghiệp Pháp đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 6 năm, coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình mà vẫn chưa có được quyền sử dụng nhà trực tiếp tại Việt Nam. Ông bảo, vợ chồng ông đều biết tiếng Việt, rồi muốn được làm chủ một căn nhà tại Việt Nam mà không được. Tôi thông báo với ông rằng, với Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua, nguyện vọng chính đáng của vợ chồng ông sẽ được thỏa mãn để ông mua luôn căn nhà mà gia đình ông đã thuê hơn 6 năm nay. Tuy nhiên, ông nhận xét rằng, sẽ chưa thể có một làn sóng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Thế nhưng, việc mở rộng quyền có nhà ở và cho phép ngoại kiều được sở hữu trực tiếp nhà ở tại Việt Nam sẽ khuyến khích người nước ngoài đang sống và làm việc ở đây tìm mua cho mình một căn nhà ưng ý.

Trong Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, có hai vấn đề được giới kinh doanh bất động sản cho là “thoáng chưa từng có” và trở thành nam châm chính sách thu hút người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Thứ nhất, luật quy định rằng, người nước ngoài khi mua bất động sản tại Việt Nam sẽ được phép cho thuê lại, mua bán, thừa kế hoặc thế chấp, trong khi quy định trước đây chỉ cho phép họ mua nhà với mục đích để ở. Theo ông Denis, quyền được cho thuê lại rất hấp dẫn người nước ngoài và cùng với đó là các quy định rõ ràng, minh bạch để người nước ngoài hưởng quyền này lâu dài.

Thứ hai, luật đã mở rộng đối tượng được phép mua nhà tại Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn FDI, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp chính quốc và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, không giới hạn đối tượng là nhà đầu tư hay cấp quản lý, lãnh đạo như trước đây.

Những điều này theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 19/2008/NQ12 đều không có. Ngoài ra, loại hình nhà ở mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua cũng đa dạng hơn, gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất trong các khu đô thị mới. Luật mới cũng không có quy định nào giới hạn số lượng căn hộ hay số căn nhà mà người nước ngoài có thể mua, trong khi trước đây, mỗi người nước ngoài chỉ được mua một căn hộ chung cư.

Tuy nhiên, vẫn có quy định, tổng số căn hộ lưu trú mà người nước ngoài sở hữu sẽ không được vượt quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, hay 250 căn nhà ở riêng lẻ, bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường. Về thời hạn cho phép các cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở, sẽ là 50 năm và có thể được gia hạn với các điều kiện tương tự được quy định trước đó. Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho đến cuối năm 2014, sau hơn 6 năm thực hiện thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, mới có hơn 780 người gồm Việt kiều và người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Trong đó, người nước ngoài chỉ có khoảng 200 trường hợp.

Trong khi đó, ước tính có khoảng 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, phần lớn đều đang đi thuê nhà ở. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đẩy mạnh mở rộng kinh doanh tại Việt Nam sẽ là một nguồn cầu lớn cho thị trường bất động sản trong thời gian tới đây.

Theo Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), việc mở rộng đối tượng và điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển. Hy vọng Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ sớm đi vào cuộc sống!

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng