Tàu cao tốc Hà Nội - Sài Gòn 6 tiếng: Hãy chờ 30 năm nữa

Cập nhật 19/10/2018 15:32

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng có báo cáo về tình hình phát triển giao thông vận tải đường sắt gửi Quốc hội. Tại báo cáo này, Bộ GTVT sơ lược một số thông tin về dự án đang gây chú ý dư luận, đó là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.


Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Trên cơ sở các nghiên cứu trước đây, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rà soát, cập nhật để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư Dự án (dự kiến vào năm 2019).

Bộ này cho hay đang nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam từng bị Quốc hội "bác".

Trước mắt đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai (sau năm 2050).

Với tốc độ 350/km/h như dự kiến, thì sau 30 năm nữa đi Hà Nội - Sài Gòn chỉ mất khoảng 6 giờ đồng hồ.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã trình Quốc hội năm 2010, tuy nhiên do còn nhiều ý kiến về sự cần thiết đầu tư, khả năng huy động nguồn lực đầu tư, phân kỳ đầu tư... nên Dự án chưa được Quốc hội thông qua.

Dự kiến số vốn đầu tư dự án này lên đến gần 60 tỷ USD, mất 5-7 nhiệm kỳ mới làm xong.

Đánh giá về các tuyến đường sắt hiện hữu, Bộ GTVT cho biết: Thời gian qua, một số dự án đầu tư cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt được hoàn thành đưa vào sử dụng đã từng bước nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng; tốc độ chạy tàu và an toàn đường sắt được cải thiện. Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu, khổ đường đơn với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp (kể cả hai tuyến chủ đạo có lượng vận tải lớn là tuyến Hà Nội - TP.HCM và tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai cũng có tiêu chuẩn kỹ thuật rất hạn chế về bình diện và trắc dọc)... nên hạn chế tốc độ chạy tàu, năng lực thông qua thấp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải cho hay lượng hành khách, hàng hóa vận chuyển qua đường sắt hiện nay thua xa những năm 80 của thế kỷ 20.

Vào những năm 80 của thế kỷ 20, khối lượng vận chuyển của đường sắt so với toàn ngành giao thông vận tải đã đạt tới 4,85 tỷ HK.km chiếm 29,2% tổng lượng luân chuyển hành khách toàn ngành giao thông vận tải và đạt 1,00 tỷ Tấn.km chiếm 7,5% tổng lượng luân chuyển hàng hoá toàn ngành. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải khác (đặc biệt là vận tải đường bộ, hàng không), thị phần vận tải đường sắt đã sụt giảm đáng kể.

Tính đến năm 2017, khối lượng vận chuyển bằng đường sắt là 3,66 tỷ HK.km chiếm 2% tổng lượng luân chuyển hành khách toàn ngành giao thông vận tải và 3,57 tỷ Tấn.km chiếm 1,33% tổng lượng luân chuyển hàng hoá toàn ngành.

Giai đoạn năm 2010-2015, nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt là hơn 9,2 nghìn tỷ trong tổng nguồn vốn được giao qua Bộ Giao thông vận tải là 332 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn xã hội hóa thu hút vào đường sắt không đáng kể. Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 huy động được 50,6 tỷ đồng từ các doanh nghiệp khác đầu tư vào sửa chữa nâng cấp toa xe khách, tổ chức khai thác các đoàn tàu chuyên tuyến.


DiaOcOnline.vn - theo Vietnamnet