Tất cả đều do quản lý lỏng lẻo

Cập nhật 23/07/2009 11:05

Đó là ý kiến của phó tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình khi đề cập vấn đề doanh nghiệp (DN) sử dụng nhà đất công lãng phí, không hiệu quả, thậm chí sai phạm nghiêm trọng. Ông Mai Quốc Bình nói:

- Tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM hay một số khu vực khác là các trung tâm đô thị lớn, việc nắm quyền sử dụng đất đồng nghĩa với sở hữu một tài sản có giá trị lớn. Các DN đều có tâm lý, có suy nghĩ giữ đất là giữ một lượng tài chính ổn định, nhà đất có thể sinh sôi, đội giá, tăng giá. Chính vì vậy, việc nhiều DN ghim giữ nhà đất công là tình trạng phổ biến hiện nay. Tôi cho rằng những DN không có nhà đất là do không có điều kiện, chứ nếu có điều kiện cũng sẽ làm, giữ đất như một nguồn vốn của mình.

Ông Mai Quốc Bình - Ảnh: M.Quang


Tình trạng nhiều đơn vị, DN sử dụng nhà đất công không hiệu quả tồn tại rất lâu, trong khi đó một số đơn vị khác hoặc chính quyền địa phương cần đất lại không có quỹ đất. Tại TP.HCM, qua các cuộc thanh tra, tôi đã đề cập nhiều lần về vấn đề này nhưng giải quyết vẫn chưa hiệu quả.

* Có thể nói tình trạng “đại gia” ôm nhà đất công nhưng làm ăn không hiệu quả diễn ra khá phổ biến, nhưng tại sao cứ để tình trạng này kéo dài?

- Nguyên nhân chính ở đây là công tác quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương bị buông lỏng. Địa phương không nắm được chắc chắn diễn biến về chuyển dịch đất đai, không nắm được việc sử dụng nhà đất của các đơn vị nên không ngăn chặn, phòng ngừa được sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của từng đơn vị. Nếu như địa phương có kế hoạch, giao cho các sở ban ngành quản lý chắc thì không đơn vị nào dám mang đất đai cho thuê, bán.

Đối với những dự án “treo” hết năm này sang năm khác, để đất đai lãng phí thì phải yêu cầu DN lý giải tại sao “treo”. Tôi cho rằng địa phương, các sở quy hoạch kiến trúc, sở xây dựng đều phải nắm hết các dự án, dù đó là dự án của DN trung ương hay địa phương. Các cơ quan này phải xem xét năng lực đơn vị có dự án liệu họ có thực hiện nổi hay không, phải quản lý chứ không thì DN cứ “treo” mãi, ôm đất xong để đó.

Về trách nhiệm quản lý, ngoài địa phương, các DN và các tổng công ty sử dụng đất cũng không phối hợp tốt, không quản lý tốt nên dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích, sai trái. Đây cũng là hệ quả của việc coi đất là nguồn vốn nên các DN luôn muốn giữ đất. Đơn vị nào tậu được nhiều đất thì coi đó là “thành tích”.

* Để giải quyết tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị, DN sử dụng đất công không hiệu quả, theo ông, cần thực hiện những biện pháp như thế nào?

- Theo tôi, chính quyền địa phương, ở đây là UBND các tỉnh, thành phố phải thể hiện một cách đầy đủ về vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai. Lâu nay trong lĩnh vực này có khoảng cách, ỷ lại, đổ lỗi hoặc coi chuyện đất đai không phải của mình vì trong các đơn vị sử dụng đất công có nhiều đơn vị trung ương... Địa phương phải xác định dù đơn vị nào quản lý đất thì vẫn phải thực hiện chặt chẽ vai trò quản lý nhà nước, trong đó phải chú trọng xác định quy hoạch. Quy hoạch vùng đất đó sử dụng làm gì, căn cứ trên quy hoạch đó để theo dõi cách sử dụng nhà đất thế nào cho có hiệu quả.

Đồng thời, địa phương cần phối hợp với bộ, ngành chức năng, các đơn vị chủ quản và các DN để thống nhất cách xử lý đối với các khu đất công đang sử dụng thiếu hiệu quả, sai mục đích. Để thực hiện được điều này, cần thiết phải có sự chỉ đạo từ trung ương, qua đó các địa phương có sự thống kê, báo cáo cụ thể với Chính phủ về tình trạng quản lý, sử dụng đất đai, đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi. Địa phương, ở đây là UBND các cấp phải là chủ công, nòng cốt trong chuyện xác lập lại trật tự về đất đai, dưới mà buông lỏng thì trên cũng chịu thua.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng phải có các biện pháp chế tài, đơn vị nào sử dụng đúng thì ủng hộ phát huy, đơn vị nào sai thì mạnh dạn thu hồi. Nếu DN nào sử dụng nguồn lực đất đai một cách tùy tiện, không có kế hoạch, vượt qua những quy định của pháp luật thì phải xử lý.

Mỗi ngành phải tự thấy trách nhiệm của mình

Về trách nhiệm của các đơn vị liên quan để xảy ra tình trạng lãng phí trong sử dụng nhà đất công, ông Phạm Đình Cường, cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, nói:

Ông Phạm Đình Cường - Ảnh: P.P.H.

 

- Đương nhiên, trách nhiệm chính thuộc về các đơn vị được Nhà nước giao quản lý, sử dụng trụ sở, mặt bằng, kho bãi nhưng sử dụng không hết, đem cho thuê lại hoặc bỏ không, gây lãng phí. Chẳng hạn như Tổng công ty Lương thực miền Nam, đang là đơn vị “đinh” hiện nay về sử dụng nhà đất công, thì phải có trách nhiệm của tổng công ty và các đơn vị thành viên được giao sử dụng. Thứ hai là cơ quan chủ quản của các đơn vị trên. Thứ ba là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là chính quyền địa phương để xảy ra lãng phí nhà đất công và Bộ Tài chính.

Ví dụ như Bộ Tài chính là cơ quan ra chính sách nhưng nếu chính sách đó không phù hợp, không khả thi hoặc không kiểm tra việc thực hiện thì đó là lỗi của bộ trong vai trò quản lý nhà nước. Còn chính quyền địa phương vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa được giao quản lý trực tiếp nhà đất tại địa phương mình mà để sử dụng không đúng mục đích thì theo luật, trong một thời gian nhất định phải thu hồi. Dù là trách nhiệm chung nhưng mỗi ngành phải tự thấy trách nhiệm của mình trong đó. Phải chia rõ ràng như vậy.

Phải xử lý đúng luật

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Hà Văn Hiền, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết:

- Vấn đề mà chúng tôi quan tâm là những thiếu sót trong quản lý sử dụng đất tại các tổng công ty có nguyên nhân do đâu. Tuy nhiên cần phải phân định rõ những cái nào thuộc về chính sách của Nhà nước, cái nào thuộc trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành, lỗi nào là trách nhiệm của đơn vị sử dụng. Từ đó kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách để việc quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp hiệu quả hơn. Tôi đã đề nghị với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp tục làm rõ những vấn đề đó.

Ông Hà Văn Hiền - Ảnh: P.P.H.


* Thưa ông, nhiều trường hợp sử dụng nhà đất công lãng phí rất rõ nhưng khi thu hồi thì gặp phải sự phản đối của các đơn vị đang quản lý. Đó là chưa kể có sự can thiệp của các bộ chủ quản...

- Việc quản lý đất công của các đơn vị sử dụng thuộc trách nhiệm của UBND các địa phương. UBND các địa phương là người có quyền giao đất, thu hồi đất. Còn vấn đề liên quan đến tài sản trên đất, tài chính của doanh nghiệp là do các cơ quan chủ quản chỉ đạo. Tôi nghĩ rằng dù là cơ quan nào đi nữa thì chúng ta vẫn phải lấy chuẩn là luật và các chính sách của Nhà nước về đất đai. Cho nên UBND TP ra quyết định thu hồi trên cơ sở Luật đất đai và các chính sách của Nhà nước thì các cơ quan khác phải chấp hành.

Tôi không biết ở đây các bộ chủ quản can thiệp theo chiều hướng nào, nhưng việc này liên quan đến tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp thì sự phối hợp của UBND địa phương với các bộ, các ngành là cần thiết để giải quyết những sai sót hiện nay.

 

 >>Kỳ 3: Nâng giá để “trị” lãng phí

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO