Nhằm làm giảm bụi cho thành phố, ngay từ năm 2005, UBND TP đã ban hành Quyết định 02 về các biện pháp giảm bụi trong lĩnh vực xây dựng. Từ khi quyết định này ra đời tình trạng bụi trên các tuyến đường của thành phố tuy có giảm, nhưng vẫn vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Theo đánh giá của Chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ thì nồng độ bụi bẩn ở Hà Nội nhiều nơi đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 4 lần. Chính điều này đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân.
Ở đâu có công trường xây dựng, ở đó có bụi
Việc Thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh với nhiều công trình đã và đang mọc lên nhanh chóng giúp Hà Nội phát triển ngang tầm với các thành phố khác trong khu vực. Tuy nhiên, cùng với đó là tình trạng bụi bẩn tại những khu vực xung quanh các công trình xây dựng. Người dân Hà Nội đã từng đúc kết một câu nói ở đâu có công trình xây dựng là ở đó có bụi bẩn.
Ông Thạch Như Sỹ, Chánh thanh tra Sở GTCC cũng có nhận xét chung như vậy. Theo ông Sỹ thì ngay tại các công trường xây dựng nồng độ bụi luôn vượt quá từ 7 - 10 lần, còn nồng độ bụi tại các khu dân cư gần các công trường xây dựng và đường giao thông lớn như Kim Liên, Thanh Xuân, Mai Động... đều vượt từ 1,5 - 3 lần. Đặc biệt có 6 tuyến đường được mệnh danh là những con đường bụi, gồm đường Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Trường Chinh hàm lượng bụi đếu gấp 6,75 đến 7,5 lần tiêu chuẩn cho phép.
Bà Tạ Quỳnh Hoa, Thành viên dự án thí điểm xây dựng sạch cho rằng, phần lớn các chủ công trình xây dựng thiếu ý thức giữ sạch môi trường. Cụ thể là hầu hết các công trình xây dựng không có bạt che bụi, không có cầu rửa xe.
Bên cạnh đó, có tới 95% số xe tải chở VLXD, phế thải lưu thông trên đường không bảo đảm yêu cầu vệ sinh, che chắn sơ sài làm rơi vãi ra đường phố gây bụi bẩn. Ngoài ra, các loại phế thải xây dựng do không được quản lý chặt chẽ và đồng bộ từ nơi phát sinh đến nơi xử lý mà lại đem đỗ bừa bãi cũng là tác nhân gây bụi bẩn.
Bắt buộc các công trình xây dựng phải có các biện pháp giảm bụi
Ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở GTCC cho biết, Sở và Chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ đang khẩn trương hoàn thành dự thảo hướng dẫn giảm bụi tại các công trình xây dựng, sau đó trình UBND TP phê duyệt để áp dụng trên địa bàn. Theo đó, khi thi công đào, phá dỡ phải được làm trong điều kiện ẩm để giảm thiểu bụi phát tán.
Đối với các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông bùn đất phải được vận chuyển hết bằng các xe container ngay trong ngày, không để lưu cữu trên đường. Ngoài ra, công trường phải được rào kín để hạn chế phát tán bụi và phải thường xuyên tưới nước. Bắt buộc phải thường xuyên rửa đường cũng như các khu vực xung quanh công trường.
Tất cả các lối ra của công trường bắt buộc phải có cầu rửa xe, từ đó tất cả các xe trước khi ra khỏi công trường đều phải rửa sạch sẽ tránh lôi kéo bùn đất từ công trường ra đường gây bụi bẩn... Sau khi thi công xong phải thu dọn sạch các loại vật liệu thừa, phế thải xây dựng, đồng thời cọ rửa sạch khu vực, các tuyến đường xung quanh công trình...
Ngoài ra, tại dự thảo này cũng đề cập đến việc xây dựng các trạm rửa xe tại các cửa ngõ ra vào thành phố, bãi khai thác vật liệu xây dựng, nhưng không thu phí với các xe ô tô để khuyến khích các xe vào rửa giảm thiểu bụi bẩn do các xe này gây ra. Bên cạnh đó, dự án thí điểm xây dựng sạch cũng đã đưa ra giới thiệu 5 mẫu xe chở VLXD được cải tạo với thùng xe kín khít để bắt buộc các đơn vị, cá nhân khi tham gia vận chuyển VLXD, phế thải... có thể làm theo để bảo đảm không rơi vãi các loại VLXD và phế thải ra đường gây bụi bẩn.