Tập đoàn lớn rũ bỏ dự án BĐS khủng

Cập nhật 11/01/2013 16:18

Đã qua rồi cái thời dốc tiền vào dự án này đến dự án kia để chiếm giữ đất, hàng loạt tập đoàn lớn đang tìm mọi cách bán bớt dự án để thoát đọng vốn và nguy cơ phá sản.

Bán rẻ vốn góp


Đầu năm, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) đã thông báo về việc chuyển nhượng vốn góp tại dự án Đồng Mai - Hà Đông. Theo đó, TDH chuyển nhượng vốn góp tại dự án Đồng Mai, thu về 80 tỷ đồng, gấp hai lần giá trị vốn góp ban đầu (40 tỷ đồng).

Với thương vụ này, TDH sẽ có khoản lãi 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là một trường hợp hiếm hoi có lãi, trái ngược với thảm cảnh bán rẻ tài sản của không ít các doanh nghiệp BĐS thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, kết quả trên chắc chỉ bằng một phần nhỏ kỳ vọng của doanh nghiệp trước đó bởi Khu đô thị mới Đồng Mai là một dự án có quy mô hàng đầu tại Hà Nội với hàng trăm hecta, tổng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng, trong đó TDH ban đầu dự định góp 20% nhưng mới đóng được 40 tỷ đồng.

Trước đó, cuối 2012, Thủ Đức House cũng công bố chuyển vốn góp tại công ty con Thương mại, dịch vụ Song Đức (TDH nắm 51%).

Cùng với Hoàng Anh Gia Lai, TDH là DN hiếm hoi có những bước tiến triển tích cực trong việc giảm hàng hóa tồn kho, thông qua việc đẩy mạnh bán dự án, bán sản phẩm để thu tiền về. Và TDH cũng là một trong số ít các doanh nghiệp BĐS có lượng trả nợ gốc lớn hơn nhận nợ trong 3 quý đầu năm 2012.

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, các dự án… của TDH, nhiều nhà đầu tư vẫn cảm thấy khá chóng mặt với hàng trăm tỷ đồng, cao hơn khá nhiều so với vốn điều lệ. Trong khi đó, tình hình kinh doanh vẫn khá tệ hại, với hai trong số bốn quý gần nhất thua lỗ khá nặng.
 


Ở mức độ khó khăn hơn, Vinaconex - VCG đang rầm rộ thoái vốn ở hàng loạt dự án BĐS khủng. Hôm 8/1 cho biết, đối tác ngoại trong liên doanh CTCP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) giữa Công ty liên doanh giữa Perdana ParkCity (S) Pte (Malaysia) và CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex-Hoàng Thành (một công ty con của Vinaconex) đã mua lại 100% dự án Park City Hà Nội do liên doanh này thực hiện.

Hồi cuối tháng 10/2012, Vinaconex đã đã thoái vốn thành công 3,75 triệu cổ phiếu (tương đương 25% cổ phần) tại Vinaconex Hoàng Thành đơn vị thực hiện dự án ParkCity tại Hà Nội sau 3 lần giảm giá bán.

Đầu tháng 12 vừa qua, Vinaconex cũng muốn chuyển nhượng cổ phần tại Liên doanh An Khánh JVC đang làm dự án Splendora (245ha, vốn 2 tỷ USD).

Mục đích mà Vinaconex nêu ra giống như những đợt toán vốn tại Vinaconex VCN, VC3, VC6, Xuân Mai… là để cấu trúc lại vốn đầu tư, mà nói cách khác có lẽ là để DN rút vốn về, giảm bớt tình trạng đầu tư dàn trải, giảm gánh nặng nợ vốn gấp khoảng 4 lần vốn chủ sở hữu, tránh thua lỗ…


Gần đây, giới đầu tư chứng kiến khá nhiều vụ thoái vốn khỏi BĐS như SHI chuyển nhượng gần 50 tỷ đồng góp vốn vào 3 dự án và công ty liên kết; Toàn Thinh Phát bán cổ phiếu Sacomreal; Vạn Phát Hưng thanh lý hàng loạt dự án; PVL quyết định bán đấu giá Petrovietnam Green House giá khởi điểm 51 tỷ đồng (lỗ 112 tỷ đồng); NVT tìm kiếm đối tác đầu tư dự án Six Senses Saigon River; HBC với hai dự án Long Thới và Thanh Xuân…

Chết khiếp BĐS

PVL, chủ dự án Petrovietnam Green House cho biết, DN đã đầu tư vào dự án hơn 163 tỷ đồng. Với mức giá đưa ra đấu giá, PVL dự kiến lỗ trên 112 tỷ đồng.

Sau khi bán được dự án, PVL vẫn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ công nợ phải trả cho tất cả các hợp đồng đã ký với nhà thầu, nợ phải trả cho ngân hàng đối với các khoản vay và lãi phát sinh.

Viện bán dự án cho thấy phần nào sự khó khăn DN này, với 5 quý thua lỗ liên tiếp. Trong quý III/2012, tổng doanh thu của PVL không đủ bù đắp chi phí quản lý. Lượng tiền mặt và tương đương tiền của PVL tiếp tục sụt giảm, chỉ còn 1,61 tỷ đồng.

Trường hợp VCG bán hàng loạt dự án và đang muốn chia tay với tập đoàn Posco E&C của Hàn Quốc do lo ngại nếu triển khai nhanh dự án có thể sẽ không có vốn và tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh hay câu chuyện của mất cân bằng trong khả năng thanh toán ngắn hạn của Địa ốc Hoàng Quân (HQC) do đầu tư quá lớn vào công ty liên kết cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp BĐS trong thời buổi hiện nay.

Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến tài sản của DN phát triển siêu nhanh (tăng vốn qua phát hành cổ phiếu) Quốc Cường Gia Lai (QCG) của bà Nguyễn Thị Như Loan đã bốc hơi mất hơn 1.000 tỷ đồng trong hai năm do dự án dàn trải, lãi vay lớn, nợ khủng và kết quả là làm ăn thua lỗ.

Hàng loạt ví dụ về những DN đầu ngành phải bán tháo nhiều dự án BĐS suốt cả năm qua do nợ nần chống chất, chi phí lãi vay đè nặng… Tất cả cho thấy một điều rằng, thời tăng trưởng nóng đã chấm dứt. Bây giờ ai cùng khiếp sợ và muốn tháo chạy khỏi BĐS.

Với cú sốc nợ nần và thua lỗ, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản trong năm qua của nhiều DN, nhiều người tin rằng thời tăng trưởng nóng đã qua đi. Những gì mà DN, cũng như các nhà đầu tư cần nghĩ tới trong bối cảnh này là cầu mong thoát lỗ để tránh phá sản.

Những động thái vận động tìm hướng thoát thân, chấp nhận bán rẻ, bán lỗ bớt dự án hoặc giảm giá bán hàng tồn kho một cách nhanh chóng có lẽ lại là phương án tốt nhất đối với các doanh nghiệp. Đó cũng có thể là cái giá cho việc say sưa quá đà giai đoạn kinh tế tăng trưởng nóng trong các năm trước mà chưa lường hết khó khăn của thị trường. Bài học này hẳn còn có nhiều giá trị.
 

DiaOcOnline.vn - Theo VEF