Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật chỉ đáp ứng 20% - 30% nhu cầu, việc vận dụng cơ chế đặc thù để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường cho TPHCM nên thực hiện ra sao? Theo nhiều chuyên gia, TPHCM phải mạnh dạn thay đổi để tìm ra câu trả lời khả thi nhất, bởi thực tế đã chứng minh, có nhiều cách làm cũ không mang lại được hiệu quả như mong muốn.
Các cao ốc đã và đang xây dựng bên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
|
Theo TS Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, việc đang điều chỉnh lại Quy hoạch chung Xây dựng TPHCM sẽ là cơ hội để TP rà soát toàn bộ kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các tuyến metro, BRT, theo hướng góp phần giúp TPHCM phát triển bền vững hơn. |
Rồi đến dự án xây dựng đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đường Phạm Văn Đồng, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé…, TPHCM cũng hầu như không khai thác được quỹ đất dọc 2 bên để vừa chỉnh trang đô thị vừa có thêm tiền thực hiện dự án. Để làm đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài Gòn, TPHCM đã phải vay hơn 200 triệu USD vốn ODA từ Nhật Bản. Còn để có chi phí làm đường Phạm Văn Đồng, TPHCM đã phải “đổi đất lấy hạ tầng”, giao nhiều khu đất trong thành phố cho nhà đầu tư khai thác. Tuy diện mạo của các khu dân cư dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng… sau khi các công trình này hoàn thành đã “thay da, đổi thịt”, nhưng đánh giá khách quan thì nhiều khu đô thị ở đây vẫn lẻ mẻ, nhếch nhác.
Đặc biệt, còn xuất hiện nhiều ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” - hậu quả của việc giải tỏa chỉ theo ranh làm đường. TPHCM đã nhìn ra bất cập này và giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng ngay các quy chế quản lý kiến trúc nhằm chỉnh trang đô thị cho khu vực. Thế nhưng, dự án làm đường, cải tạo kênh rạch đã hoàn tất nên việc giải tỏa, di dời để thực hiện chỉnh trang đô thị gần như không thể thực hiện được. Cho đến thời điểm hiện nay, tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn tồn tại.
Trong câu chuyện tận dụng “mỏ vàng đen”, TPHCM chỉ khai thác được quỹ đất dọc 2 bên đường của dự án xây dựng đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, huyện Nhà Bè) vào năm 2007. Chi phí làm đường khoảng 430 tỷ đồng nhưng việc “thu hồi và bán đấu giá đất mặt tiền” dọc tuyến đã đem lại cho ngân sách hơn 800 tỷ đồng. Nhiều dự án bất động sản sau đó đã được phát triển trên các khu đất này (như Gold House, Kenton Residences, Dragon Hills…) còn đem lại cho TP khoản lợi nhuận thêm lên tới khoảng 260 tỷ đồng, do giá trị đất tăng lên.
Ưu tiên các giải pháp đa mục tiêu
Hiện TPHCM đang triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng lớn, có tính chất “định hình” lại đô thị như xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, tuyến BRT trên đường Võ Văn Kiệt, cải tạo kênh Đôi - kênh Tẻ… Tuy nhiên, những khó khăn mà TP gặp phải trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trước đó, đến nay vẫn thế. Thậm chí còn khó hơn khi tỷ lệ ngân sách để lại cho TP bị cắt bớt.
Theo nhiều chuyên gia, TPHCM phải tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt này. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết ngay cả những nước có nguồn tài chính dồi dào như Pháp, Mỹ… cũng khai thác quỹ đất dọc 2 bên dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, để bù đắp cho chi phí đầu tư của chính công trình đó. TPHCM khó khăn hơn về tài chính nên càng phải quyết tâm hơn trong việc tạo vốn từ đất.
Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hòa: “Quốc hội vừa thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM. Đây sẽ là cơ hội để TPHCM tìm ra giải pháp khả thi nhất cho các vấn đề tài chính trong đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật”. |
Ngoài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên gần xong, TPHCM còn có tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương và nhiều tuyến metro khác, cùng dự án kênh Đôi - kênh Tẻ… mới bắt đầu giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư. TPHCM hoàn toàn có thể rà soát, đánh giá lại theo hướng “sửa” những bất cập đã gặp phải trước đó. TPHCM phải nhân cơ hội này tổ chức lại không gian kiến trúc đô thị hướng tới chống ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ nguyên nhân cốt lõi của các vấn nạn trên là quá tải. Việc thực hiện các dự án hạ tầng căn bản như xây dựng metro, BRT… phải giúp TP giải quyết vấn đề quá tải.
Cao ốc nằm dọc đường Nguyễn Hữu Thọ (địa phận quận 7 và huyện Nhà Bè). Ảnh: CAO THĂNG |
Thực hiện 7 chương trình đột phá: TPHCM cần khoảng 40 tỷ USD
Theo UBND TPHCM, từ nay đến năm 2020, TP cần đến khoảng 40 tỷ USD để thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá.
Với số vốn này, khả năng một mình TPHCM không thể thực hiện được mà cần huy động nhiều nguồn lực khác trong xã hội. TPHCM đã, đang và sẽ tiếp tục tạo vốn bằng nhiều cách. Thứ nhất, trong thời gian tới TP sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại quỹ nhà - đất dôi dư (ước có khoảng 1.000 mặt bằng nhà - đất) để làm nguồn cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Ngoài ra, TPHCM còn hơn 10 địa chỉ là khu đất vàng vẫn chưa thu hồi, với tổng diện tích hơn 49.000m2, giá trị thị trường rất lớn. Thứ hai, năm 1997 TPHCM đã thành lập Quỹ Đầu tư phát triển đô thị (HIFU, nay là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM - HFIC), với mục đích huy động vốn đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội.
Hiện nay, bên cạnh các phương thức đầu tư truyền thống, HFIC đang đẩy mạnh hợp tác với những nhà đầu tư có năng lực để triển khai các dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó tập trung vốn vào các dự án thuộc danh mục đầu tư công được TP phê duyệt và các dự án thuộc 7 chương trình đột phá. Thứ ba, TPHCM đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như là một trong những giải pháp tăng nguồn thu, hỗ trợ phát triển hạ tầng giai đoạn 2016-2020.