Sau một năm đi vào cuộc sống (1/7/2014-1/7/2015), Luật Đất đai 2013 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý đất đai của Nhà nước cũng như giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Mặc dù cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đẩy mạnh, nhưng vẫn còn đó những vướng mắc mà các địa phương gặp phải trong quá trình thi hành Luật. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) xung quanh vấn đề này.
*
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị với Bộ TN&MT 5 nhóm vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013. Bộ TN&MT có hướng tháo gỡ thế nào, thưa ông?
- Những vướng mắc của Hà Nội, cũng có những địa phương khác gặp phải, nhưng cũng có địa phương không thấy vướng. Chúng ta mới thực hiện Luật Đất đai 2013, nên những Nghị định, Thông tư mới để đi vào cuộc sống cần phải có thời gian. Cũng có thể sau một thời gian vận hành, các địa phương sẽ không còn thấy vướng.
Tiếp nhận kiến nghị của TP Hà Nội, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai tiếp tục lắng nghe thêm những vướng mắc của các địa phương khác. Từ đó, Bộ có sơ kết thi hành Luật Đất đai 2013. Trên cơ sở sơ kết đó, Bộ mới rà soát xem đâu là những vấn đề thực sự vướng, cần phải tháo gỡ, đâu là quy định mới cần có thời gian đi vào cuộc sống; trên cơ sở đó sẽ có sửa đổi. Phía Bộ TN&MT cũng đã kiến nghị với Chính phủ tổng kết, sơ kết thi hành Luật. Với các vướng mắc cần tháo gỡ, Bộ sẽ đưa vào một Nghị định để sửa đổi, trình Chính phủ.
Giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
*
Bộ TN&MT đặt yêu cầu phải cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhưng dường như người dân vẫn chưa hài lòng trong việc thực hiện các thủ tục? Quan điểm của ông thế nào?
- Đúng vậy! Tại một số địa phương, người dân và DN vẫn còn phản ánh về những vướng mắc, khó khăn, phiền hà liên quan đến các quy định của pháp luật về đất đai trong thực hiện các TTHC. Từ thời gian thực hiện, đến việc lồng ghép các thủ tục khi thực hiện đồng thời một số thủ tục, về hồ sơ khi thực hiện thủ tục, việc chấp hành các quy định pháp luật của các địa phương. Trong việc này, một phần do thái độ của bộ phận tiếp nhận hồ sơ chưa đúng mực, nhưng một phần do phía người dân, dù hồ sơ đã được hướng dẫn nhưng vẫn thực hiện không đúng; hoặc nhờ người khác đi làm hộ dẫn đến khai hồ sơ chưa chuẩn. Thông thường, người dân chưa hài lòng do thái độ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ, hoặc do phải chờ đợi lâu.
*
Thời gian qua, công tác theo dõi, giám sát việc thực thi các quy định về TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai chủ yếu thông qua việc tiếp nhận và giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân. Bộ TN&MT có hướng xử lý thế nào?
- Đối với các TTHC, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục xem xét để có thêm cải cách. Bộ vẫn chưa thỏa mãn với việc giảm được 30 thủ tục khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp. Tuy nhiên, không phải giảm bớt thủ tục là cải cách, mà cũng có những quy định chưa rõ ràng, Bộ phải quy định lại cho rõ, tạo thuận lợi cho các DN, tổ chức, người dân khi đi làm thủ tục. Bộ cũng đã thiết lập, công bố đường dây nóng về đất đai, tiếp nhận thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân; từ đó có hướng thanh, kiểm tra, xử lý.
*
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai, đến nay, công tác này đã có những chuyển biến thế nào, thưa ông?
- Tôi cho rằng, công tác này đã có nhiều chuyển biến. Như chúng ta biết, trong lĩnh vực đất đai, một số thủ tục, quy định về cấp sổ đỏ cho người dân, giao đất, cho thuê đất đều đã có những cải cách cơ bản. Đặc biệt, việc cấp sổ đỏ cho người mua căn hộ chung cư từng rất khó khăn, đến nay đã có nhiều tháo gỡ, thuận lợi hơn.
*
Ông có thể nói rõ hơn, thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua căn hộ chung cư thuận lợi gì hơn so với trước đây?
- Trước đây, chúng ta có Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh/TP và Văn phòng Đăng ký đất đai cấp quận/huyện. Đối với việc cấp sổ đỏ cho các nhà chung cư, bên bán là các tổ chức, bên mua là các hộ gia đình, cá nhân. Bộ hồ sơ phải chạy từ Văn phòng cấp tỉnh sang Văn phòng cấp huyện rất mất thời gian. Với việc quy định một văn phòng cấp tỉnh/TP và các văn phòng cấp quận/huyện trở thành văn phòng chi nhánh, nguyên việc chuyển đổi, thống nhất mô hình này, chúng ta đã giảm được 30 TTHC. Đối với việc cấp sổ đỏ cho nhà chung cư, thủ tục còn giảm nhiều hơn nữa. Ngoài ra, trước đây, để cấp được sổ đỏ cho căn hộ chung cư, cơ quan chức năng yêu cầu người mua nhà phải có bản vẽ thiết kế đo đạc căn hộ, hồ sơ, hợp đồng mua bán nhà..., trong khi, bản vẽ thiết kế này do chủ đầu tư cầm.
Theo quy định hiện nay, khi bắt đầu kinh doanh bán nhà, chủ đầu tư phải có trách nhiệm nộp bản vẽ tổng thể toàn bộ tòa nhà lên Văn phòng Đăng ký đất đai. Khi đi làm thủ tục cấp sổ đỏ, người mua nhà chỉ phải nộp hồ sơ, hợp đồng mua bán nhà…, Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ trích xuất bản vẽ căn hộ từ bộ hồ sơ mà chủ đầu tư đã nộp. Đây là những cải thiện rất nhiều trong công tác cấp sổ đỏ cho căn hộ chung cư.
*
Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị phản ánh, tại nhiều dự án, người mua nhà phải trả tiền đo đạc căn hộ cho chủ đầu tư mới được làm thủ tục cấp sổ đỏ. Theo ông, chủ đầu tư thu phí này liệu có đúng quy định?
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm gửi Văn phòng Đăng ký đất đai các giấy tờ này. Khi người mua nhà đến làm thủ tục cấp sổ đỏ, hồ sơ đã có sẵn, không cần mang thêm bản vẽ đó nữa. Tuy nhiên, vẫn có tình huống căn hộ xây khác với bản vẽ, thì cơ quan chức năng phải có động tác xem xét lại bản vẽ. Việc đo đạc căn hộ là trách nhiệm của chủ đầu tư, nên chủ đầu tư yêu cầu các hộ dân trả phí như vậy là không đúng quy định.
*
Việc kiện toàn Văn phòng Đăng ký đất đai, Tổ chức Phát triển quỹ đất một cấp tại các địa phương mặc dù còn trong thời hạn Chính phủ quy định nhưng đã chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông, nguyên nhân do đâu, và Bộ TN&MT có hướng tháo gỡ, giải quyết thế nào?
- Trách nhiệm việc này trước hết thuộc về các địa phương. Trong Nghị định của Chính phủ quy định thời hạn dài hơn, tuy nhiên, năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ TN&MT, thấy đây là mô hình hay, đẩy mạnh cải cách TTHC, vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải hoàn thành ngay trong năm 2014. Tuy nhiên, một số địa phương không thể đáp ứng được yêu cầu này do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Thông tư liên tịch về Văn phòng Đăng ký đất đai và Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp bị chậm, dẫn đến việc các địa phương có ý chờ đợi. Hiện nay, Thông tư này đã xong, nên các địa phương đang tích cực thực hiện. Nếu địa phương nào triển khai chậm, sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
*
Tại Hà Nội, khi Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đi vào hoạt động, một số chi nhánh gặp khó khăn như thiếu hồ sơ địa chính, giải quyết công việc theo cách thủ công, chưa nhận được sự hỗ trợ của các quận, huyện, hoặc chưa nhận được sự giải quyết kịp thời từ Sở TN&MT và văn phòng trung tâm, dẫn đến một số nơi chậm trễ trong việc trả kết quả cho các tổ chức, công dân. Theo ông, làm sao để tháo gỡ những vướng mắc này?
- Việc tháo gỡ thế nào là do Hà Nội. Tôi nghĩ thế này, chúng ta đang từ mô hình hai cấp chuyển sang mô hình một cấp, có những việc từ cấp quận/huyện lên cấp tỉnh/TP, rõ ràng phải có thời gian, lộ trình. Bản thân các cán bộ của Văn phòng Đăng ký đất đai phải làm quen với thao tác mới, quy trình mới. Thiết kế cho một hệ thống thống nhất không phải chỉ nói là được, mà còn do hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật. Khi điều quân của cấp quận/huyện lên cấp Sở, có thể xảy ra trường hợp, các quận/huyện đào tạo được cán bộ có năng lực, họ lại chuyển những người đó sang bộ phận khác. Dù chúng ta nói “chuyển nguyên trạng”, rõ ràng vẫn có sự xáo trộn. Hay vấn đề kết nối thông tin, kết nối mạng, giữa cấp quận/huyện (chi nhánh của cấp tỉnh), trước kia họ làm độc lập, sau đó mới có sự báo cáo. Trong khi, bây giờ cán bộ phải cập nhật, báo cáo thường xuyên, nên phải có lộ trình.
*
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng