Đóng thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân nhưng phải tạo môi trường để họ cảm thấy thoải mái khi nộp chứ không phải bị ép buộc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Dư luận cứ góp ý, chúng tôi lắng nghe!
Chúng ta tham gia 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã cắt giảm thuế quan liên tục, năm 2017-2018 cắt giảm thuế sâu. Trong 2-3 năm vừa qua, thu ngân sách có bảo đảm dự toán, thậm chí tăng so với dự toán nhưng số tuyệt đối không tăng, trong khi quy mô thu của chúng ta tăng 1,95 lần, như vậy tỉ trọng thuế trong thu ngân sách giảm xuống.
Chúng ta đã một bước cơ cấu lại ngân sách, thu nội địa đã tăng, đạt hơn 80% trong tổng thu ngân sách. Tham gia FTA có nhiều cơ hội nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) giảm mạnh, hiện thuế phổ thông là gần 20%. Ngoài ra, trong việc ưu đãi cho DN, thời gian qua hạ thuế suất rất nhanh để bảo đảm chống suy thoái về kinh tế nên thu chỉ được trên 15%, riêng khu vực đầu tư nước ngoài chỉ được hơn 10%. Đây là những vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới ngân sách trung ương, Bộ Tài chính sẽ rà soát lại.
Việc liên tục đưa ra đề xuất tăng các loại thuế khiến các đại biểu Quốc hội lẫn chuyên gia kinh tế lo ngại. Ảnh: Tấn Thạnh |
Vừa qua, Bộ Tài chính đã dự thảo một luật sửa 6 luật thuế. Thủ tướng đã cơ bản đồng ý nhưng quá phức tạp nên bộ sẽ chia thành 2-3 luật. Có luật sẽ sửa một cách căn cơ như Luật Thuế GTGT, Thu nhập DN và Thuế tiêu thụ đặc biệt. Có những chính sách mới đã có trong chủ trương nhưng triển khai rất khó khăn, tuyên truyền vận động còn khó khăn. Ví dụ, Luật Thuế tài sản có căn cứ pháp lý đầy đủ, nghị quyết của Chính phủ chỉ đạo năm nay phải trình. Tuy nhiên, cách giải thích chưa đến nơi đến chốn nên tạo dư luận không tốt. Hiện dự thảo mới chỉ đưa ra lấy ý kiến, dư luận góp ý, tiếp thu điều chỉnh. Sau đó mới lấy ý kiến bộ - ngành, Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ thông qua mới đưa lên trình bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh. Nếu làm được thì thực hiện vào nhiệm kỳ sau.
Dư luận cứ góp ý, chúng tôi lắng nghe, rất đơn giản. Đó là một trong những yêu cầu của trung ương, của Quốc hội là phải quyết liệt triển khai các nghị quyết.
Ông Nguyễn Hữu Thuận,
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng (nhà báo Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân):
Trước hết phải nghĩ đến dân
Tôi ủng hộ việc đánh thuế tài sản. Tuy nhiên, phải cân nhắc giá trị tài sản để đánh thuế, thời gian thực hiện..., chứ bây giờ cứ có cảm giác phí cứ chồng lên phí.
Ngoài ra, khi đã đánh thuế tài sản thì phải thôi các loại phí khác liên quan đến tài sản. Bắt đầu từ một cái nhà, từ trước bạ..., đủ thứ!
Đối với thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, người ta cũng thấy có cái gì đó không thỏa đáng và có cảm giác là tận thu.
Tôi thẳng thắn báo cáo với Thủ tướng rằng Chính phủ nên tính toán, để mỗi chính sách ban hành ra, trước hết đặt vào vị trí của người dân. Nói thật, nhiều khi các bộ, các ngành cứ đưa ra chính sách để mà áp đặt, gây bất bình và hoài nghi trong xã hội.
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh: Cần siết các khoản chi thường xuyên
Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng nhiều loại thuế đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân thời gian gần đây, nếu được áp dụng sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn, các DN vừa và nhỏ sẽ trở thành DN li ti… Như đề xuất tăng thuế GTGT, đây là một loại thuế gián thu, tức là DN đóng giùm người tiêu dùng. Tăng thuế GTGT đồng nghĩa toàn dân sẽ phải gánh chịu khi tiêu dùng bất kể sản phẩm gì dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Hiện đa số người dân làm vẫn chưa đủ chi tiêu dùng, nay việc tăng thuế sẽ khiến họ càng nghèo hơn.
Trong khi Bộ Tài chính đề xuất tăng các khoản thuế để tăng thu ngân sách thì ở góc độ khác, các khoản chi thường xuyên, chi mua sắm tài sản nhà nước… lại không được siết chặt; như việc ngân sách chi hơn 1.000 tỉ đồng mua mới xe công trong năm ngoái, rồi những lễ hội ngàn tỉ được tổ chức nhưng hiệu quả không rõ. Chỉ cần siết lại các hoạt động này, tiết kiệm ngân sách thì người dân sẽ không cần thêm gánh nặng từ việc tăng các khoản thuế.
Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh: Nuôi dưỡng nguồn thu hơn là "vắt kiệt"
Để có nguồn thu lâu dài, cần khoan sức dân và tạo điều kiện để cá nhân và DN có thời gian, nguồn lực tái tạo. Nếu nhà nước cứ "chăm chăm" thu thuế và tăng các khoản thuế thì DN sẽ không có động lực. Khi đó, DN làm ăn không đàng hoàng sẽ tìm cách trốn thuế, còn DN chân chính lại không muốn đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh vì làm càng nhiều càng đóng thuế nhiều. Một cái cây phải cần thời gian để rễ đâm sâu xuống lòng đất, lấy nước chứ không phải thúc nhanh để chín ép. Chuyện thu thuế và nuôi dưỡng nguồn thu từ DN, người dân cũng vậy.
Ngoài ra, theo tôi, đóng thuế cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân nhưng phải tạo môi trường để người dân, DN cảm thấy thoải mái khi đóng thuế, chứ không phải bị ép buộc, cảm thấy ngột ngạt vì thuế, khi đó sẽ không còn động lực để làm việc.
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ