Quản lý phát triển các KCN còn nhiều bất cập, đất đai còn bỏ trống gây nhiều lãng phí. Ảnh: KCN Bắc Thăng Long. Ảnh: Linh Anh |
Theo Bộ TN&MT, kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 cho thấy, trong 5 năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cả nước đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, nguồn lực thu được từ đất đều tăng hàng năm. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chủ trương này vẫn còn những bất cập cần giải quyết
Muôn hình vạn trạng quỹ đất
Kết quả kiểm kê đất đai cho thấy, tình trạng sử dụng đất trái phép ở các địa phương diễn ra khá phổ biến, nhất là tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ; tình trạng mua bán, chuyển mục đích trái phép đất nông nghiệp thành đất ở vùng ven thành phố Hà Nội và TP HCM; tình trạng mua gom đất nông nghiệp để chờ dự án, dẫn đến bỏ hoang hóa đất ven các thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh lân cận).
Cùng với đó, diện tích đất do tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài và tổ chức liên doanh với nước ngoài sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ trọng thấp (chiếm 8.67% tổng diện tích đất sản xuất, kinh doanh). Vẫn còn 11 tỉnh, thành phố chưa có dự án đầu tư của tổ chức và cá nhân nước ngoài, như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Gia Lai, An Giang, Cà Mau,Trà Vinh...
Việc phát triển các khu đô thị mới ở một số thành phố lớn còn phân tán đã tạo nên nhiều khu đất nông nghiệp bị xen kẹt giữa các khu đô thị đã không thể sản xuất nông nghiệp phải bỏ hoang từ nhiều năm nay, gây nên tình trạng lãnh phí đất đai rất lớn (điển hình tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng).
Việc quản lý phát triển các khu công nghiệp (KCN) còn những bất cập. Bởi, cả nước có 249 KCN được thành lập, nhưng mới có 162 khu đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 50.95%. Ở một số địa phương còn dàn trải, nhiều KCN xây dựng đã lâu, nhưng không thu hút được đầu tư nên tỷ lệ lấp đầy thấp, đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí (điển hình tại Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Long An, Bình Dương...); nhiều địa phương triển khai xây dựng các KCN, song vẫn thực hiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án ngoài KCN (5 năm qua cả nước đã giao, cho thuê 31,101ha đất cho các cơ sở sản xuất ngoài KCN).
Đó là bốn vấn đề điển hình trong hàng loạt bất cập về quản lý đất đai đã được chỉ ra, đòi hỏi phải giải những bài toán mới liên quan đến tài chính đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất. Trước tiên, cấp tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của sở, ngành, địa phương đối với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Quan trọng hơn cả, phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, không lan rộng kéo dài gây ảnh hưởng xấu, tiêu cực trong thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.
Những con số ấn tượng
Theo báo cáo tổng hợp từ Bộ TN&MT, thu cho ngân sách Nhà nước từ đất đai năm 2005 là 11,500 tỷ đồng, năm 2006: 17,897 tỷ đồng, năm 2007: 30,945 tỷ đồng, năm 2008: gần 34,000 tỷ đồng, năm 2009 đạt hơn 40,000 tỷ đồng và năm 2010 đạt gần 47,000 tỷ đồng. Đây là những con số gây ấn tượng, đáng quan tâm và đặc biệt tăng ở những thành phố lớn trong cả nước.
TheoBộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, trước khi có Luật Đất đai 2003, nguồn thu từ đất chỉ đạt khoảng 4,000 tỷ một năm, thì năm 2009, nguồn thu này đã tăng gấp 10 lần, đạt 40,000 tỷ đồng. "Nếu quản lý Nhà nước về đất đai một cách bài bản chặt chẽ đúng luậthơn, nguồn lực thu từ đất sẽ còn hơn nhiều"- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định, ngành quản lý đất đai Việt Nam định hướng phát triển dựa trên 3 quan điểm chỉ đạo. Đó là phát triển ngành theo hướng hiện đại hoá trên cơ sở xây dựng mô hình tổ chức tiên tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại; kinh tế hoá lĩnh vực quản lý đất đai để nâng tầm đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội; chính sách pháp luật đất đai phải góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo dân chủ và công bằng xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị