Tăng giá VLXD: đau đầu cả nhà thầu lẫn khách hàng

Cập nhật 24/08/2008 11:00

Xây dựng trong thời kỳ hàng loạt chi phí như sắt thép, gạch, nhân công... đều tăng giá khiến cho giá thành xây dựng tăng lên đáng kể. Tăng giá thì ai cũng nhận ra tuy nhiên để giải trình với khách hàng không phải là điều dễ và không phải ai cũng nhanh chóng chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Minh Thắng ở Hoàng Mai - Hà Nội kể lại một câu chuyện cười ra nước mắt. Từ tháng 9 năm ngoái, khi nhận xây dựng một biệt thự ở Hà Đông, giá cả được tính toán kỹ, hợp đồng được ký kết và triển khai rất nhanh chóng. Ông Minh cho biết, dự toán ban đầu mà hai bên đã thống nhất dự phòng giá cả tăng 10%, chủ nhà cũng sợ tăng giá nên đã ứng sẵn một phần lớn tiền xây, mua vật liệu nhằm làm nhanh rút gọn... Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, khi biệt thự hoàn thành, chi phí xây dựng đã đội lên quá nhiều so với dự tính cao nhất.

"Giải trình thế nào chủ nhà cũng không chịu, thỏa thuận mãi mới chấp nhận tăng thêm một ít và bồi dưỡng 4 triệu đồng cho ông chủ thầu vì làm việc nhiệt tình. Trả lương cho công nhân xong, toàn bộ lợi nhuận dự tính ban đầu gần như đi hết. Số tiền bồi dưỡng coi như là thu nhập gần 8 tháng trời ròng rã, tính ra công chủ thầu không bằng công một thợ phụ"- ông Minh chua chát nói.

Tuy nhiên, theo ông Minh, đây vẫn là trường hợp may mắn vì chưa thua lỗ, nhiều đồng nghiệp của ông đã phải bỏ bê công trình. Nhiều người mới nhận hợp đồng đã đành phải bỏ, biết là mất uy tín nhưng mà không còn cánh nào hơn vì càng làm càng thua lỗ.

Ông Tạ Hữu Long - Phó giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh Nhà Quảng Ninh - đơn vị chủ đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Văn Phú - TP Hà Đông cho biết, hiện công ty cũng đang gặp khó khăn trong việc đàm phán với khách hàng về giá cả xây dựng. Cùng một lúc giá thành xây dựng mỗi căn nhà ở đây chịu nhiều yếu tố tăng lên như giá cả vật liệu xây dựng, yếu tố địa chất khiến công ty phải thay đổi phương án cọc móng; cơ quan quản lý tăng thêm yêu cầu hoàn thiện mặt đứng các ngôi nhà trước khi bàn giao.... .

Qua khảo sát, cho thấy, cấu tạo địa tầng khu vực Hà Nội và Hà Đông nói chung là yếu đồng thời thay đổi mạnh theo từng khu vực. Sau khi tính toán nhiều phương án móng khác nhau, tổ chuyên gia tư vấn cùng chủ đầu tư quyết định lựa chọn áp dụng giải pháp móng cọc bê tông cốt thép cho Khu nhà ở thấp tầng. Phương án này sẽ đảm bảo độ an toàn tối đa. Tuy nhiên, giá thành xây thô mỗi căn nhà thấp tầng sẽ cao hơn phương án cũ khoảng trên dưới 40 triệu. Việc hoàn thiện mặt đứng các tòa nhà nằm đảm bảo sự đồng bộ mặt phố trước đây không có trong tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và mới chỉ được bổ sung sau. Điều này không có trong hợp đồng ban đầu cũng sẽ khiến giá mỗi căn nhà tăng lên.

Ông Long cho biết, trong mỗi hợp đồng ký với khách hàng, ngoài tiền mua đất, còn có phần tiền xây dựng nhà thô. Phần tiền này chưa được tính toán và chỉ đưa vào một con số tạm tính trên mỗi mét vuông xây dựng. Giá thành thực tế sẽ được tính cụ thể tại thời điểm xây dựng. Cái khó hiện nay là khi bước vào xây dựng lại đúng vào thời điểm giá cả tăng cao, mức giá 3,1 triệu đồng/m2 xây thô đưa ra khiến nhiều người không khỏi phân vân.

Mặc dù, mức giá tạm tính ban đầu đều được cả hai bên thống nhất là không phải để làm căn cứ tính toán hay điều chỉnh giá nhưng do giá cả đầu vào tăng quá mạnh nên khiến không ít khách hàng lấy ra so sánh. Vì thế, việc đàm phán hợp đồng cũng gặp không ít khó khăn.

"Tuy nhiên, đi kèm với mỗi hợp đồng luôn có một phụ lục rõ ràng về các tiêu chuẩn xây dựng, vật liệu, giá cả... tính ra giá thành theo định mức quy định của Bộ Xây dựng nên chúng tôi hoàn toàn có thể khẳng định mức giá mới được xây dựng hợp lý. May mắn, quá trình đàm phán bước đầu đã có nhiều khách hàng hiểu và đi đến ký kết hợp đồng"- ông Long nói.

Thực tế, trong giai đoạn nửa cuối năm 2007 và đầu 2008, vật liệu xây dựng nhất là sắt thép, gạch... luôn ở trong nhóm hàng hóa có biến động giá rất mạnh. Bên cạnh đó, các chi phí như nhân công, vận tải... đều tăng khiến cho hầu hết các chủ đầu tư và nhà thầu gặp khó khăn. Trong khi đó, để triển khai một dự án đô thị thường phải mất hàng năm trời để lo thủ tục và hoàn thiện hạ tầng.

Những dự án triển khai trong hai năm gần đây đều rơi vào vòng xoáy tăng giá, đến khi ra được sản phẩm thì đúng lúc lạm phát lên cao điểm, thị trường địa ốc lại đi xuống nên khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tuy thời điểm này giá cả một số nguyên liệu đã có dấu hiệu xuống nhưng xuống là so với đỉnh cao nhất chứ không phải so với cách đây 1 năm. Hơn nữa, giá xây dựng ở đô thị sẽ bao gốm cả những công trình hạ tầng, dịch vụ của cả khu nhà mà người dân thụ hưởng... những hạng mục này đã phải triển khai ít nhất cách đây nửa năm. Điều này khiến doanh nghiệp cũng rất khó khăn khi đàm phán giá với khách hàng.

Làm nhanh tránh tăng giá

Thực tế, tình trạng khó khăn đã khiến nhiều nhà thầu bỏ bê công trình, hoặc "chạy làng"..."Tuy nhiên, đó không phải là cách hay, mà tốt nhất là các bên ngồi vào bàn đàm phán với khách hàng. Khách hàng sẽ chấp nhận nếu có một cơ sở giá cả rõ ràng ràng, được tính toán dựa trên những quy định về tiêu chuẩn chất lượng đã cam kết. Tăng giá là thực tế chung và là khó khăn của mọi người nên nếu giá cả hợp lý và minh bạch thì khách hàng và chủ đầu tư sẽ dễ gặp nhau hơn- ông Long chia sẻ.



Cách tốt nhất để đối phó với lạm phát là đẩy nhanh
tiến độ, xây dựng dứt điểm. (Ảnh: minh họa)


Trong khi đó, ông Tạ Minh Bích - Giám đốc Công ty thiết kế và tư vấn Nam Sơn cho biết, sự phản ứng của khách hàng khi giá tăng là điều dễ hiểu. Vì nếu như 1 m2 sàn xây dựng chỉ cần tăng thêm trên 1 triệu đồng thì chi phí một căn hộ đã đội lên khá nhiều.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả phải công khai để hai bên cùng hợp tác triển khai. Về nguyên tắc, khi có sự biến động về giá, các bên phải ngồi lại với nhau để thương thảo và thống nhất việc điều chỉnh, làm sao để bảo đảm được nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên.

Đặc biệt, theo ông Bích, cách tốt nhất để hai bên thoát ra khỏi vòng xoáy tăng giá là phải cùng nhau sớm hoàn thành công trình. Giá cả sẽ tăng hoặc tiếp tục đứng ở mức cao, nếu không "đánh nhanh rút gọn" mà cứ "câu dầm" thì càng thêm khó, chi phí sẽ tiếp tục tăng lên mà không ai là người được lợi.

"Tôi đã nhận được lời mời của nhiều khách hàng để thẩm định lại giá cả của nhiều chủ đầu tư khi để xuất tăng lên. Đúng là có những trường hợp tính chưa đúng, thậm chí lợi dụng tăng giá để kiếm lời nhưng thực tế là đa số nhà thầu đang rất khó khăn. Và trong trường hợp như thế, lời khuyên của tôi là khách hàng cũng với nhà đầu tư cần hợp tác để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Không ai vui vẻ và được lợi khi xây nhà mà cứ kéo dài"- ông Bích cho hay.

Theo Vietnamnet