Khung giá đất mới năm 2008 được HĐND TP HCM thông qua sáng nay. Nhiều ý kiến cho rằng, tăng giá đất phải kết hợp điều chỉnh thuế để tránh trường hợp dân phải chịu những khoản thuế ngất ngưởng.
Mức cao nhất của khung giá đất sang năm là 67,5 triệu đồng mỗi m2, thuộc 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ của quận 1. Giá đất ở thấp nhất là 600.000 đồng một m2 tại huyện Cần Giờ và Bình Chánh. Cả mức trần và đáy của khung giá đất vừa được thông qua đều nằm trong khung quy định của Chính phủ.
Theo HĐND thành phố, khung giá đất mới được xây dựng trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của người dân, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giá mới cũng tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, hạn chế mức thấp nhất những phức tạp có thể xảy ra. Ngoài khung giá, việc đền bù giải tỏa sẽ căn cứ vào giá đất thị trường.
Nhiều đại biểu cho rằng, mức tăng trong khung giá mới 10 - 30% so với năm 2007 là chấp nhận được. Đại biểu Đặng Văn Khoa không đồng tình việc nâng khung giá đất lên sát giá thị trường. Ông cho hay, người dân muốn chuyển mục đích hay quyền sử dụng đất đều phải đóng thuế, do đó giá đất càng cao thì sức ép thuế với dân càng lớn.
Chính vì thế, ông Khoa kiến nghị HĐND thành phố xem xét thêm nghĩa vụ đóng thuế để quy định mức đóng hợp lý, sao cho người dân không bị quá tải khi làm giấy tờ hay giao dịch nhà đất.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Minh Hồng thắc mắc khung giá đất năm 2008 vẫn còn một khoảng cách lớn với thị trường thực tế và thấp hơn khung giá của Chính phủ 10-20%. Bà Hồng cho rằng thành phố cần có giải trình với Bộ Tài chính để làm rõ việc này.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, giá đất là vấn đề nhạy cảm, bị chi phối bởi hai yếu tố là khung giá đất nhà nước và tình hình riêng của TP HCM. Chính vì căn cứ vào lịch sử của thành phố còn nhiều người dân chưa hợp thức hóa giấy tờ nhà đất, nên không thể tăng kịch trần khung giá đất mới để giảm áp lực cho nhân dân.
UBND thành phố sẽ phối hợp các sở ngành xem xét mức thuế phù hợp, tránh trường hợp vì phải đóng một khoản thuế quá lớn mà người dân ngại chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chuyển quyền sử dụng đất.
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng tỏ thái độ đồng tình với khung giá đất được thông qua. Song họ đều cho rằng cần điều chỉnh lại mức thuế để tạo điều kiện cho người dân đủ khả năng tài chính hợp thức hóa giấy tờ nhà đất.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức, ông Lâm Văn Chúc, nhận định, nâng giá đất dần dần theo từng năm là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, thành phố cần nghiên cứu lại chính sách giảm thuế mới tạo được sự bình ổn.
Ông Chúc cũng lo ngại rằng, khi giá đất trên thị trường lấy đà tăng lên theo khung giá chung của thành phố, không giảm thuế sẽ làm thị trường địa ốc kém minh bạch. Bởi lẽ, người dân sẵn sàng khai báo giá khống để không phải đóng mức thuế bị đánh quá cao.
Phân tích về tác động của giá đất mới, ông Chúc cho rằng, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng giá cao hơn theo phản ứng tâm lý.
Đồng tình với khung giá đất mới năm 2008, ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Xanh, khuyến cáo, nếu giá đất ngang bằng giá thị trường, trong khi hệ thống luật và công cụ thuế còn non trẻ, sẽ tạo khủng hoảng nghiêm trọng cho thị trường nhà đất.
"Nếu thành phố tăng khung giá đất cao chót vót như giá thị trường thì không thể nào hạ xuống được nữa, càng đẩy những người có nhu cầu về nhà ở vào tình thế vất vả chèo chống với nhiều loại thuế. Lý do, đất đai hữu hạn trong khi nhu cầu cứ liên tục gia tăng theo cấp số nhân. Tâm lý xã hội do đó bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá đất", chuyên gia này nhận định.
Theo Vnexpress