Tăng cung bất động sản từ nguồn nhà ở xã hội

Cập nhật 15/07/2009 11:30

Một khu nhà ở xã hội.(Ảnh:cand.com.vn)

Sự thiếu hụt gay gắt, dai dẳng về nhà ở đối với những người có thu nhập thấp luôn tạo môi trường thuận lợi để giới đầu cơ bất động sản tạo nên những cơn "sốt" nhà đất ảo.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ Xây dựng đang nỗ lực đẩy nhanh triển khai Chương trình phát triển Nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Với việc tăng cung nhà ở xã hội, các cơ quan quản lý thị trường đất động sản kỳ vọng sẽ đưa thị trường vào quy củ, còn người có thu nhập thấp thì kỳ vọng sẽ sớm có nhà...

Cơ chế sẵn sàng

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18/CP-NQ (ngày 20/4/2009) về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Kèm theo đó là hàng loạt quyết định về cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học; về nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Các quyết định này đã chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo mặt bằng, hỗ trợ vốn cho chương trình. Đối với doanh nghiệp là các điều kiện ưu đãi cụ thể về “đất sạch”, vốn, thuế… nhằm đảm bảo Chương trình phát triển nhà ở xã hội có đầy đủ các điều kiện khả thi.

Ông Trịnh Trường Sơn, Trưởng phòng phát triển nhà ở, Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết theo báo cáo hàng ngày Cục đang tiếp nhận, số lượng các dự án đăng ký của các địa phương liên tục tăng lên. Sở dĩ mới có vài tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hà Nội, khởi công một vài dự án nhà ở xã hội là do Thông tư số 10 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn việc quản lý đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến ngày 1/8 này mới có hiệu lực thi hành.

“Theo tôi biết thì các địa phương, doanh nghiệp đã sẵn sàng cho mọi thủ tục, chỉ đợi đến giờ G là các dự án khởi động!”, ông Sơn khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mặc dù các cơ chế xung quanh phát triển nhà ở xã hội đã rất rõ ràng, cụ thể nhưng trên thực tế mỗi địa phương, doanh nghiệp lại có một kiểu vướng mắc khác nhau. Để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh, trong tháng 5 vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức 2 cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành liên quan để xử lý các vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 18.

Bộ cũng thành lập 2 nhóm công tác do hai Thứ trưởng phụ trách, trực tiếp xuống các địa phương trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp giai đoạn 2009- 2015 cho các đối tượng là sinh viên và công nhân.

Từ việc rà soát phát hiện các mâu thuẫn giữa chính sách và thực tiễn, Bộ Xây dựng đã ban hành 4 Thông tư hướng dẫn về quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; quản lý, vận hành cho thuê nhà ở xã hội; xác định giá cho thuê, bán, thuê mua nhà ở xã hội; và thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về các mẫu nhà ở xã hội.

Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục ban hành thông tư hướng dẫn việc xét duyệt các đối tượng, quy định các điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội… để các địa phương, doanh nghiệp vận dụng.

"Mưa" dự án

Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 16/6 đã có 21 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về tình hình triển khai Chương trình phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị với tổng số gần 200 dự án.

Về nhà ở cho công nhân, tuy mới có 19 tỉnh đăng ký các dự án trong giai đoạn 2009-2015 nhưng số dự án đã lên tới con số 110, với quy mô xây dựng khoảng hơn 6 triệu m2 sàn.

Về nhà ở cho người có thu nhập thấp ở các đô thị, đã có 21 địa phương đăng ký với 189 danh mục dự án trong giai đoạn 2009-2015; quy mô xây dựng của các dự án này đạt hơn 7,1 triệu m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 700.000 người. Xác định nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp rất bức xúc nên các địa phương đã tập trung cao độ cho việc tạo quỹ nhà này trong giai đoạn 2009-2010.

Về nhà ở công nhân, các địa phương dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 47 dự án với quy mô xây dựng khoảng 1,17 triệu m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 186.690 người. Về nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị dự kiến hoàn thành tới 150 dự án (trong tổng số đăng ký 189 dự án) với quy mô khoảng hơn 5,6 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 640.000 người.

Theo ông Trịnh Trường Sơn, từ ngày 16/6 đến nay đã có thêm rất nhiều tỉnh, thành phố gửi đăng ký các dự án về nhà ở cho sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp.

"Nói chung, tinh thần của các địa phương, doanh nghiệp rất sẵn sàng và hào hứng với chương trình này. Và nếu đúng với tiến độ các địa phương dự kiến, hai năm nữa nguồn cung nhà ở xã hội bắt đầu ra thị trường. Điều này sẽ góp phần đáng kể vào việc hạ sốt nhà ở và thị trường bất động sản trong thời gian tới", ông Sơn khẳng định.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Tin Tức/Vietnam+