Tăng chiều cao tầng Khu tập thể nội đô sẽ nảy sinh các vấn đề về quá tải hạ tầng?

Cập nhật 10/04/2016 09:50

Quy chế mới của UBND TP Hà Nội về tăng chiều cao tầng Khu tập thể cũ nội đô thời gian gần đây đang tồn tại nhiều ý kiến tranh cãi. Đặc biệt là lo ngại về áp lực đối với cơ sở hạ tầng sẽ tăng lên.

Một góc Khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội, cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại hai bên đường vành đai, trục hướng tâm, tuyến phố chính, khu vực điểm nhấn.

Cụ thể, khu vực Vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê Sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m…

Quy chế nêu rõ các khu vực và giới hạn tầng cao tối đa một số khu tập thể cũ ở Hà Nội như sau: Khu Văn Chương (18 tầng); Nguyễn Công Trứ 25 tầng; Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng; các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn… 24 tầng.

Khu vực này nằm trong quy hoạch có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.

Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, các kiến trúc sư lại không đồng tình với quan điểm này, bởi nếu tăng chiều cao tầng sẽ khiến mật độ dân số đô thị tăng lên và các chỉ tiêu đô thị tăng cao.

Kiến trúc sư Nguyễn Thái Tuấn cho rằng: “Việc tăng chiều cao tầng cho các khu tập thể cũ trong khu vực nội đô có thể sẽ khiến mật độ dân số tăng cao. Do đó, dẫn đến một loạt các vấn đề khác phát sinh. Hạ tầng đô thị quá tải, áp lực giao thông tăng lên. Các chỉ tiêu đô thị như điện, nước, sân chơi, vườn hoa,… các dịch vụ công cộng cũng sẽ tăng theo, hạ tầng đô thị khó có thể đáp ứng nổi.

Bên cạnh đó, việc tăng chiều cao tầng các tòa nhà cũng sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch, làm phá vỡ quy hoạch đô thị trong khu vực nội đô Hà Nội”, Kiến trúc sư cho hay.

Ở một góc độ khác, anh Thanh, người dân sinh sống tại quận Hoàn Kiếm cũng bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi rất ủng hộ việc cải tạo khu tập thể cũ, để người dân có nơi ở khang trang, vững chãi hơn, và cải thiện được cảnh quan đô thị của thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, nếu tăng chiều cao tầng các tòa nhà thì mật độ dân số cùng với đó cũng sẽ tăng lên, gây áp lực đối với hạ tầng đô thị, khu vực này trở nên quá tải, kéo theo nhiều vấn đề khác về điện nước, đường xá, trường học,… mọi thứ tự nhiên sẽ tạo gánh nặng cho xã hội và hạ tầng khu vực này.

Tôi chỉ nói đơn giản, thêm người về ở, rồi người ta cũng phải sinh con, rồi phải đi học, cứ đổ xô vào đấy, chưa kể đến các dịch vụ công cộng khác, các nhu cầu khác sẽ phải tăng cao lên rất nhiều”, anh Thanh cho biết.

Từ nhiều năm nay, qua nhiều lần quy hoạch chung dù các chỉ tiêu quy hoạch có thay đổi thì khu vực trung tâm Hà Nội vẫn có chủ trương hạn chế phát triển chiều cao các tòa nhà. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo dừng việc xây dựng các công trình trong khu vực trung tâm Hà Nội.

Tuy nhiên, các tòa nhà cao tầng vẫn đua nhau mọc lên, thậm chí nhiều dự án điều chỉnh theo hướng tăng chiều cao, tăng mật độ. Tình trạng tiếp tục xây dựng cao ốc ở khu trung tâm gây áp lực lớn cho hạ tầng khu vực này.

Thực tế, Quy chế cho phép tăng chiều cao tầng các khu tập thể cũ sẽ cải thiện được bộ mặt đô thị khu vực nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, cần xem xét và lên phương án giảm tải cho khu vực này, hạn chế áp lực về hạ tầng đô thị và các vấn đề liên quan phát sinh.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật Plus