Ngay sau khi gói 30.000 tỷ được nới lỏng điều kiện cho vay, lại xuất hiện tình trạng "cò” nâng giá chênh lệch đối với khách hàng mua nhà. Điều này đã đẩy cơ hội sở hữu nhà của người thu nhập thấp ngày càng xa hơn.
Hơn 3000 khách hàng cá nhân đã được vay gói 30.000 tỷ đồng Thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến hết ngày 15-3, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền là 2.909 tỷ đồng. Trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 64% so với thời điểm 31-12-2013. Hiện các ngân hàng đã giải ngân cho 14 dự án với số tiền là 591 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình, cá nhân, 5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết cho vay 3.030 khách hàng cá nhân với số tiền là 1.134 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 3.011 khách hàng với dư nợ 731 tỷ đồng. |
Gần 300 dự án BĐS tạm dừng do thiếu vốn Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Chính phủ kết quả rà soát các dự án bất động sản trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, có gần 300 dự án phải tạm dừng do thiếu vốn. Đặc biệt, có 287 dự án phải tạm dừng tại 47 địa phương, chiếm 14,5% diện tích đất xây dựng nhà ở. Các dự án tạm dừng chủ yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển khai tiếp. Ngoài ra, còn có 470 dự án, với tổng diện tích đất khoảng 6.983 ha là những dự án đã hoàn thành, hoặc chưa có báo cáo, các địa phương đang tiếp tục cập nhật số liệu báo cáo bổ sung. |
Theo bảng báo giá của của một sàn giao dịch bất động sản, giá một căn hộ chung cư với giá gốc 13 triệu đồng/m2 có giá chênh tới ít nhất 210 triệu đồng. Tùy loại dự án, vị trí, địa điểm, giá tiền chênh lệch còn cao hơn, có nơi mức giá chênh lệch lên tới 250 triệu đồng.
Như vậy, để có cơ hội sở hữu một căn hộ trị giá khoảng 600 triệu đồng, nay người thu nhập thấp phải chi thêm tới 200 triệu đồng tiền chênh lệch.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, người thu nhập thấp sẽ có nhiều cơ hội có nhà để ở hơn nếu như họ thay đổi tư duy "phải mua được nhà”. Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhận định rằng, người dân Việt Nam vẫn rất nặng tâm lý là cần phải sở hữu một căn nhà. Do đó họ cố gắng tìm đủ mọi cách để vay đủ tiền mua một căn nhà. Họ coi việc phải đi thuê nhà là sự mất mát rất lớn so với việc căn nhà đó do chính họ sở hữu. Chính tâm lý này đã đẩy người dân vào tình thế tưởng như tuyệt vọng vì cho rằng, họ làm cả đời cũng không thể có cơ hội sở hữu được một căn nhà. "Tại sao không nghĩ đến phương án thuê nhà để ở?”- Thứ trưởng Nam đặt câu hỏi và ông đưa ra lời khuyên rằng, với mức thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/ tháng hiện nay, người thu nhập thấp hoàn toàn có thể thuê được một căn nhà để ở, không nhất thiết cứ phải vay mượn để mua cho được một căn nhà.