Tại sao những đường phố mới vẫn cứ nhôm nhem

Cập nhật 11/09/2007 16:00

Theo một chuyên gia, Hà Nội cần thu hút các nhà đầu tư xây trung tâm thương mại, nhà ở cao tầng… tại khu vực hai bên đường mới mở để cho thuê, thuê mua tạo ra lợi nhuận bù đắp vào khoản tiền khổng lồ mà Nhà nước bỏ ra  GPMB cũng như tránh hiện tượng nhà “siêu mỏng” làm xấu phố phường...

Để phát triển giao thông đô thị hiện đại, TP Hà Nội đã phải chi từ vài trăm, thậm chí 700 - 800 tỷ đồng cho một km đường như tuyến Trần Khát Chân, Kim Liên - Ô Chợ Dừa... Vậy mà khi đường đã hiện đại thì hai bên phố vẫn lô nhô bởi công tác thu hồi đất làm dự án còn quá nhiều kẽ hở và thiếu công bằng.

Trên đường gấp rút chuẩn bị đất cho 35 dự án trọng điểm hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cách thu hồi đất hiện nay cũng chưa có nhiều thay đổi khiến nguy cơ cảnh quan kiến trúc nhiều khu phố mới bị xé nát.

Vì sao đường hiện đại, phố vẫn lôm nhôm?

Trở lại những năm 90 của thế kỷ trước, người dân Hà Nội khấp khởi mừng cho một tuyến đê đổi thịt thay da thành con đường khang trang, hiện đại - đường Trần Khát Chân. Nhưng rồi người ta lại thấy thất vọng bởi hai bên con đường lần lượt mọc lên những ngôi nhà chỗ như bao diêm, nơi như xưởng thợ mà giới kiến trúc gọi nôm là đường hiện đại nhưng phố "nhà quê".

Thời điểm ấy, dẫu có nhiều cố gắng nhưng công tác thu hồi đất còn để lại nhiều vấn đề đáng nói khi áp giá đền bù, vạch chỉ giới thu hồi đất… mãi đến những năm sau này mới dứt điểm.

Đáng tiếc là sau những nhọc nhằn ấy, cái chúng ta thu được mới chỉ là con đường rộng. Những hộ dân hai bên đường người còn nhiều đất thì xây nhiều, còn ít xây ít, kiểu dáng, màu sắc tuỳ thích chẳng theo tiêu chí kiến trúc nào, nên tiền tỷ đã chi mà chúng ta không thể có phố hiện đại.Gần đây, tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa được coi là đắt nhất thế giới: 773 tỷ đồng cho 1.080m đường. Trong số đó, khoản đầu tư xây lắp đường chỉ vẻn vẹn 100 tỷ, số còn lại 600 tỷ đồng cho khâu giải phóng mặt bằng, con số đáng kinh ngạc đối với nhiều nhà đầu tư.

Trước đó, năm 2002, việc Hà Nội chi 113 tỷ đồng cho 550m đường đoạn Voi Phục - Cầu Giấy đã gây chấn động. Giá xây lắp nửa km đường này chỉ hết 13 tỷ đồng, trong khi tiền chi cho giải phóng mặt bằng lên tới 100 tỷ. Còn nữa những con đường đã phải chi như thế, ví như đường Văn Cao, đường Đào Tấn, Ngã Tư Sở…

Nhìn lại các dự án này, cái được về giao thông đã rõ. Cái chưa được chính là cảnh quan, kiến trúc đô thị vụn vặt và thiếu đồng bộ; thiếu bản đồ tổ chức không gian quy hoạch - kiến trúc, thiếu quy hoạch hệ thống đường dây và đường ống kỹ thuật… dẫn đến tình trạng nhà siêu mỏng, nhà xây vượt phép, trái phép tràn lan khó quản lý.

Nên đổi mới cách thu hồi đất

Nói về điều này, Tiến sĩ Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng quan tâm tới chất lượng công trình ở cả cảnh quan kiến trúc, tiện nghi sống và hiệu quả xã hội của các khu phố.

Ông nói: Chúng ta chi hàng tỷ đồng cho phát triển giao thông đô thị, đã có đường hiện đại nhưng phố vẫn không đẹp. Nguyên nhân như Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận là nhiều quận, huyện của Hà Nội còn thiếu 4 loại bản đồ quy hoạch hoặc có thì rất sơ sài; việc cung cấp cốt xây dựng chỉ thực hiện manh mún với từng dự án; công bố quy hoạch không gắn liền với cắm mốc thực địa… dẫn đến ban hành nhiều quy trình lòng vòng gây phiền hà tới người dân và các chủ đầu tư.

Vì thế, đổi mới cách thu hồi đất phải gắn liền với việc thực hiện tốt công tác quy hoạch trong điều kiện Thủ đô phát triển năng động.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Trần Chủng, việc thu hồi đất làm đường phải gắn liền với quy hoạch - kiến trúc đô thị, khắc phục tư duy phiến diện là chỉ quan tâm tới đất cho con đường.

Muốn thế, Nhà nước cần ban hành quy định lấy quỹ đất rộng ra, toàn bộ quỹ đất có lợi thế thương mại hai bên đường Nhà nước sẽ sử dụng tạo ra lợi ích chung cho cả cộng đồng. Cụ thể là thu hút các nhà đầu tư xây trung tâm thương mại, nhà ở cao tầng…tại khu vực này.

Quỹ nhà, Trung tâm thương mại… hai bên đường sẽ dùng vào việc cho thuê, thuê mua tạo ra lợi nhuận bù đắp vào khoản tiền khổng lồ mà Nhà nước bỏ ra trả cho những người dân trong diện di dời.

Cách làm này không những chúng ta sẽ tạo ra bộ mặt đô thị đẹp, theo đúng quy hoạch mà còn đạt được nhiều hiệu quả xã hội khác. Tất nhiên, bước đầu thực hiện sẽ gặp khó khăn, còn nhiều vấn đề phải bàn cho thấu, nhưng khi người dân đồng thuận thì chắc chắn sẽ thành công.

Một tín hiệu khá lạc quan là mới đây TP Hồ Chí Minh đã công bố sẽ cải tạo 25 khu phố cũ theo hướng "đường ra đường, phố ra phố", trong đó có cả khu vực chạy qua cảng Ba Son sẽ hình thành các khu nhà ở hiện đại.

Rất nhiều nhà quản lý đô thị tin tưởng, nếu chúng ta có chính sách thu hồi đất phù hợp, đảm bảo sự công bằng thì sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân. Khi đó, tiến độ thu hồi đất cho các dự án sẽ nhanh, chứ không "rùa" như hiện nay.

  

Theo Công An Nhân Dân