Để sân golf không chỉ là những "mảng xanh vô hồn", lặng lẽ và cách biệt với đại bộ phận nhân dân, một nhóm các chuyên gia nghiên cứu vừa "lật ngược vấn đề": Sao không tận dụng chính các dự án golf làm "lá phổi xanh" cho cộng đồng, đặt chúng vào vị trí những vành đai xanh, hành lang xanh bao bọc đô thị?
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, hiện ở Việt Nam diện tích công viên, cây xanh nói chung mới đạt 2% quỹ đất đô thị (trong khi tiêu chuẩn đặt ra phải là 15 - 18%).
"Qui hoạch phát triển nhiều đô thị nước ta đều xác định phải có những mảng xanh với diện tích hàng trăm hecta, nhưng điều này sẽ khó trở thành hiện thực nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước" - PGS.TS Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nhận định.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục: "Hãy để sân
golf và dân cư đô thị được cộng sinh"!
"Nếu không nhìn thẳng vấn đề, chúng ta sẽ không bao giờ có công viên, cây xanh cho đạt con số đó, hoặc con số đó mãi là khẩu hiệu, mãi trên bản vẽ... còn thực tế người dân vẫn thiếu nghiêm trọng các công viên, khoảng xanh để vui chơi, nghỉ ngơi" - bà Thục nói.
Sân golf chính là khoảng xanh
"Thực sự, sân golf không phải một cảnh quan quá xa lạ với đô thị. Rất nhiều đô thị trên thế giới đã sử dụng sân golf như vành đai xanh, công viên, khu vui chơi giải trí..." - PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cho biết.
Theo bà Thục, ở nước ta, nói đến phát triển đô thị dường như ngay lập tức các chức năng được coi trọng chỉ là: nhà ở, trung tâm dịch vụ - thương mại, đường giao thông... mà không quan tâm đúng mức tới những hoạt động tinh thần, giải trí của cư dân.
Giải pháp khôn ngoan, tinh tế và kết hợp được đa mục tiêu nhất - theo gợi ý của nhóm nghiên cứu, là không nên đẩy, "tẩy chay" sân golf khỏi cuộc sống đô thị mà ngược lại phải biến nó thành công viên, cây xanh của đô thị, khu vui chơi, giải trí cuối tuần của cộng đồng, vành đai xanh liên vùng... tùy qui mô từng sân.
TS Nguyễn Đức Truyến (Viện Xã hội học) nhận định: "Sân golf với những thảm cỏ xanh mướt và không gian rộng lớn, theo tiêu chuẩn quốc tế thường đi kèm hồ nước, rừng cây sinh thái... chính là các không gian xanh theo đúng nghĩa của nó".
Từ đó, PGS.TS Thục nhấn mạnh: "Chúng ta luôn nói phải có vành đai xanh cho đô thị, nhưng cái gì sẽ tạo nên vành đai xanh? Rừng, cây, khu bảo tồn sinh thái hay công viên? Và tại sao không phải sân golf?"...
Một dự án tại vùng Waikato, New Zealand do ông Nguyễn Xuân Anh - một kiến trúc sư Việt Nam thiết kế đã qui hoạch sân golf như một trong các điểm đến của tuyến đường dạo sinh thái vòng quanh thị trấn và các khu dân cư chỉ được hoạch định tới rìa sân golf này. Hệ thống hành lang cách ly cùng đường dạo không những bảo vệ mảng xanh này mà còn liên kết thành một tuyến không gian công cộng "đắt giá".
Ví dụ khác tại Ngaruawahia cũng vùng đó, sân golf được đặt trong vành đai xanh cách ly giữa thị trấn lớn này và Horotiu - một thị trấn vệ tinh của thành phố Hamilton, cùng một vùng đất rộng lớn bao gồm nghĩa trang, ruộng đồng, sông suối... tạo nên "giới hạn xanh" cho phía nam thành phố này.
Tại Việt Nam, hơn 140 dự án sân golf được cho phép "tràn lan" thời gian qua hầu hết do các tỉnh, thành tự quyết, trong khi lại khuyết một "bản tổng phổ" trong qui hoạch phát triển - nên các sân golf đã không thể trở thành "vành đai xanh" có tính chất liên vùng, chịu sự quản lý liên ngành.
Nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng việc này bắt đầu bây giờ cũng chưa quá muộn. Chẳng hạn, tại Hà Nội mở rộng, qui hoạch chung đang lập, vành đai 4, 5 mới đang được xác định và rất không nên nếu bám theo vành đai luôn chỉ toàn các khu đô thị mới, nhà chọc trời...
Để dân đô thị chơi quanh sân golf như công viên
PGS.TS Huỳnh Đăng Hy: "Cần tránh
tình trạng nhà đầu tư tự đề xuất vị trí
sân golf như vừa qua"...
PGS.TS Huỳnh Đăng Hy - Tổng Thư ký Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, sân golf có nhiều loại: cao cấp - cho các đại gia, trung bình - cho người bình thường và sân tập golf ("chui" giữa các công viên thành phố) - cho đông đảo quần chúng...
"Tại nhiều nước trên thế giới, đất xây dựng sân golf thuộc chỉ tiêu đất cây xanh, nhưng là cây xanh - thảm cỏ chuyên dùng. Một số công viên văn hóa - nghỉ ngơi - thể dục có dành một phần đất làm sân golf nhỏ (hoặc sân tập golf) và chỉ tiêu đất sân golf được tính vào chỉ tiêu đất qui hoạch đất cây xanh thành phố" - ông Hy nói.
"Nước ta cũng nên như vậy, làm thế nào để đại bộ phận người dân có thể bước vào sân golf hoặc ít ra cũng là vui chơi cạnh sân golf" - ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hồng Thục. Bà Thục nêu ví dụ 2 công viên trung tâm rộng lớn của Hà Nội là Đống Đa và Tuổi Trẻ 30 năm nay Thành phố vẫn "loay hoay" và lấy làm tiếc vì càng ngày những công viên lớn đó càng trở thành xóm liều đông đúc, khó giải tỏa...
"Nhiều nhà đầu tư có tiền. Họ lại đang thích khai thác môn thể thao thời thượng - golf. Vấn đề là Nhà nước làm sao kết hợp được đồng tiền và nguyện vọng đó của nhà đầu tư để san sẻ, giúp ích cho cộng đồng, mà cụ thể ở đây nên xã hội hóa việc xây dựng sân golf, sân tập golf tại các vành đai xanh đô thị, các công viên trong thành phố" - nhóm nghiên cứu Nguyễn Hồng Thục, Nguyễn Xanh và cộng sự kết luận.
Chỉ có như thế, sân golf tại Việt Nam mới không còn là "những địa hạt khép kín và xa lạ" với cộng đồng, một "trò chơi tốn đất" đầu tư khủng khiếp mà đến nay cả nước mới có 2.000 người thường xuyên tham gia (trong số 5.000 thành viên chơi golf toàn quốc)... Chỉ có như thế, sân golf mới không lấn "bừa" vào ruộng đồng, "trá hình" giúp một số chủ đầu tư lấy đất lúa xây biệt thự...
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet