Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ sớm có báo cáo kết luận gửi cơ quan điều tra về vụ gãy dầm cầu chợ Đệm.
“Tai nạn lao động trong xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ tai nạn lao động xảy ra với khoảng 55%-60%. Đặc biệt tình hình tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực xây dựng do điện, ngã cao, vật rơi, vật ép trong quý I-2009 đã tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2008”. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, cho biết như vậy tại hội thảo về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động trong thi công công trình cao ốc hoặc có tầng hầm do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức ngày 24-3.
Long đong đời thợ hồ
Theo ông Việt, trong 95 người chết do tai nạn lao động tại TP.HCM năm 2008 có hơn 2/3 từ 18 đến 30 tuổi. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, đặc biệt là ngành xây dựng, ông Việt cho biết 75% do điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn. Còn lại do không có hay không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, không được huấn luyện an toàn lao động... Một nguyên nhân quan trọng khác là do các doanh nghiệp xây dựng bán thầu, cho mượn pháp nhân hoặc khoán trắng công tác an toàn lao động cho cai thầu.
“Chẳng hạn sự cố gãy dầm cầu Chợ Đệm ngày 10-3, khi thực hiện một hạng mục quan trọng và phức tạp mà công trình không có chỉ huy trưởng, không có tư vấn giám sát mà chỉ có bốn công nhân thực hiện” - ông Việt dẫn chứng. Ông cũng cho biết Sở LĐ-TB&XH sẽ sớm có báo cáo kết luận gửi cơ quan điều tra về vụ này.
Đại diện sở LĐ-TB&XH còn báo cáo một con số giật mình: Chỉ có 15% doanh nghiệp xây dựng khai báo về sử dụng người lao động cho địa phương. Khoảng 90% hợp đồng ký với người lao động là thời vụ hoặc chỉ là hợp đồng miệng. “Không ít trường hợp công nhân xây dựng bị tai nạn nghiêm trọng nhưng không được bồi thường bao nhiêu bởi lý do này. Hoặc nhà thầu không nắm được tình hình sức khỏe của công nhân nên bố trí họ làm việc ở độ cao dẫn đến có trường hợp bị ngã chết do bệnh tim, sợ độ cao” - ông Việt nói.
Cần có chi phí cho an toàn lao động
Ông Nguyễn Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Apave, cho rằng đặc thù lao động ngành xây dựng ở nước ta là không ổn định, nay vào mai ra như cơm bữa. Muốn trang bị phương tiện bảo hộ lao động như mua giày từ vài chục đến cả trăm USD cho công nhân cũng khó. “Ở các nước khác, chi phí dành cho an toàn lao động được tính 5% trong chi phí xây dựng. Thế nhưng ở ta thì không có” - ông Tráng phản ánh. “Trình độ công nhân xây dựng còn thấp, có nhiều người còn mù chữ. Do đó không nên phát tài liệu hoặc nói miệng mà phải cho họ quan sát trực quan” - đại diện Công ty Kumho, chủ đầu tư công trình cao ốc Kumho Asiana Plaza được Sở Xây dựng đánh giá là “thi công sạch nhất thành phố”, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo an toàn lao động cho công nhân.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhìn nhận trong câu chuyện về an toàn lao động còn nhiều vấn đề “hở sườn”. Chẳng hạn luật không bắt buộc nhà thầu mua bảo hiểm cho công trình nên khi có sự cố xảy ra, người lao động khó được bồi thường thỏa đáng. “Theo thông tin trên báo chí, hai nữ công nhân dọn dẹp vệ sinh bị chết do sập giàn giáo ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) vừa qua chỉ được bồi thường tổng cộng 100 triệu đồng là quá ít” - ông Hiệp dẫn chứng. Theo ông Hiệp, giá bỏ thầu hiện nay thường không tính đúng khiến nhà thầu giảm bớt chi phí cho an toàn lao động. Bài toán về chi phí xây dựng hợp lý là vấn đề Sở Xây dựng sẽ kiến nghị để các bộ, ngành xem xét lại.
Trong ba tháng đầu năm 2009, thành phố đã xảy ra 20 vụ tai nạn lao động làm chết 20 người. Riêng công trình chung cư cao cấp New SaiGon (huyện Nhà Bè) do Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư trong hai ngày (3-3 và 5-3) đã xảy ra hai sự cố làm chết hai người.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP