Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang lên kế hoạch giảm giá “khủng” để đẩy hàng. Họ buộc phải tháo ngòi nổ trước sức ép thị trường.
Cơ cấu lại mặt hàng
Điều này là hệ quả của việc mất cân đối trong cơ cấu các mặt hàng. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 4% tổng số nhà ở đô thị của cả nước, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất cũng mới đạt tỷ lệ 16,64%, trong khi đó tại TP.HCM, con số này là 6,13%.
Trong phân khúc nhà chung cư, các doanh nghiệp (DN) cũng chú trọng nhiều vào phát triển các căn hộ cao cấp. Cụ thể, trong tổng số khoảng 35.000 căn hộ đã hoàn thành trước năm 2011 tại TP.HCM, thì 37% là căn hộ cao cấp, 38% căn hộ trung bình và 25% căn hộ bình dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, cơ cấu sản phẩm bất động sản (BĐS) đang mất cân đối, thị trường thiếu sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số người dân.
Hiện xảy ra sự chênh lệch lớn về cung – cầu tại các phân khúc của thị trường. Trong khi tình hình ở phân khúc căn hộ chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê khá ảm đạm, thì phân khúc trung tâm thương mại và nhà ở có quy mô nhỏ với giá mềm hơn có nhiều triển vọng hơn, do nhu cầu thực luôn cao. Riêng phân khúc căn hộ bình dân không được nhiều chủ đầu tư quan tâm, do lợi nhuận thấp hơn so với phân khúc thị trường căn hộ cao cấp.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuduc House nhận xét, về lâu dài, phân khúc nhà ở trung bình và cho người thu nhập thấp còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việc các DN BĐS điều chỉnh cơ cấu kinh doanh vào các phân khúc là điều hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
“Các DN cần phải tập trung nguồn lực chuyển hướng vào các dự án trọng điểm đáp ứng được nhu cầu hiện tại của thị trường, phù hợp với chính sách quy hoạch của Nhà nước và có nhiều tiềm năng phát triển lâu dài. Ví dụ như phân khúc nhà ở trung bình và nhà cho người có thu nhập thấp, dự án ở các vùng ven của các thành phố lớn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cấu trúc lại DN, nguồn vốn
Ngoài việc thay đổi cơ cấu sản phẩm, một vấn đề cấp thiết khác là nhanh chóng tái cấu trúc DN. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong những năm vừa qua, do lợi nhuận cao, nên lĩnh vực BĐS đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tổng công ty, tập đoàn không chuyên về xây dựng, kinh doanh BĐS cũng thành lập công ty con kinh doanh BĐS. Nhiều ngân hàng cũng thành lập quỹ hoặc công ty con để kinh doanh BĐS. Nhiều DN, cá nhân không đủ khả năng tài chính, thiếu kinh nghiệm cũng tham gia đầu tư kinh doanh BĐS. Vì thế, đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Theo ông Hiếu, các DN này phải giải quyết được nhu cầu khơi thông nguồn vốn và giảm áp lực trả nợ cũng như chi phí lãi vay cao bằng cách chấp nhận hạ giá bán sản phẩm, chuyển nhượng hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư các dự án đang triển khai…
Biện pháp này sẽ giúp các DN tháo gỡ những khó khăn trước mắt, xử lý được các dự án đang đình trệ do thiếu vốn, có cơ hội để tái cấu trúc lại hoạt động đầu tư, cắt giảm nhân sự, chi phí…
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng cho rằng, việc chuyển nhượng dự án là hết sức cần thiết để tạo sự ổn định cho DN, cho thị trường, cho ngân hàng và người tiêu dùng. Việc cho phép chuyển nhượng dự án với quy trình đơn giản, pháp lý rõ ràng, bảo đảm quyền lợi cho bên mua, sẽ giúp nhanh chóng tháo ngòi nổ cho các nợ xấu của ngân hàng cho vay dự án BĐS, đồng thời khôi phục lại lòng tin của thị trường và giảm rủi ro cho hệ thống tài chính - ngân hàng.
Ngoài ra, về lâu dài, để tránh phụ thuộc quá nhiều từ nguồn tín dụng ngân hàng, các DN cũng nên tận dụng nguồn vốn từ các kênh huy động khác, như huy động thông qua phát hành các công cụ nợ, thu hút vốn trên thị trường chứng khoán....
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư