Tách thửa đất ở TP.HCM: tạo điều kiện cho dân, ngăn trục lợi

Cập nhật 19/05/2017 14:55

Ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo như trên tại cuộc họp ngày 18-5 góp ý cho dự thảo quyết định thay thế quyết định 33 năm 2014 của UBND TP.HCM về diện tích tối thiểu để tách thửa đất.


Một khu đất được phân lô trong hẻm tỉnh lộ 43, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HÀ

Theo ông Lê Văn Khoa, quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa đất phải tạo điều kiện cho người dân có đất thực hiện các quyền của mình, nhưng cũng phải ngăn được những tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi.

Ngăn tách thửa 
để trục lợi

Tại cuộc họp, ông Khoa chỉ đạo Sở TN-MT TP soạn thảo các quy định theo hướng phục vụ cho lợi ích chính đáng của người dân có đất trong các trường hợp như: tách thửa để cho con ra riêng, bán bớt một phần đất để trang trải kinh tế gia đình, chia thừa kế... Quy định phải chặt chẽ, khắc phục hạn chế của quyết định 33 hiện nay là bị nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng quy định này để mua đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất rồi tách thành từng thửa nhỏ để bán.

Điều này làm phá vỡ quy hoạch tại các quận, huyện, hình thành nhiều khu dân cư đông đúc nhưng thiếu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp. Tại cuộc họp, đại diện UBND, các sở ngành, quận huyện đã hiến kế nhiều cách để hướng đến mục tiêu chung như trên. Ông Khoa chỉ đạo các đơn vị gửi góp ý cho Sở TN-MT TP trong vòng 10 ngày để sở này tổng hợp, đưa vào dự thảo trình lại UBND TP.

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, Sở TN-MT TP đã trình UBND TP dự thảo quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa các loại đất trên địa bàn TP. Theo đó, diện tích tối thiểu để tách thửa đối với đất ở có nhà và không có nhà về cơ bản vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng các hộ gia đình, cá nhân tách thửa một khu đất lớn thành nhiều thửa đất nhỏ, dự thảo quy định trường hợp tách thửa đất có diện tích từ 2.000m2 trở lên thì phải lập dự án theo quy định của Luật nhà ở.

Đây là quy định không mới vì quyết định 19 năm 2009 về diện tích tối thiểu để tách thửa của UBND TP.HCM cũng đã từng quy định điều này.

Tại tờ trình UBND TP, Sở TN-MT TP cũng cho biết qua khảo sát thực tế thì việc tách thửa diện tích lớn khá phổ biến. Nhiều người mua đất nông nghiệp, chuyển mục đích thành đất ở, sau đó tách thửa nhỏ rồi chuyển nhượng kiếm lời gây khó khăn trong công tác quản lý về đất đai, quy hoạch cho chính quyền.

Việc này dẫn đến hình thành những khu dân cư tập trung, làm tăng dân số trong khi hạ tầng chưa đảm bảo.

Âm thầm mua đất 
chờ tách thửa

Theo ghi nhận thực tế của Tuổi Trẻ, thời gian gần đây việc phân lô tách thửa ở Q.9, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè có xu hướng tạm lắng. Những người làm môi giới đất cho biết UBND các quận, huyện này không giải quyết những trường hợp xin tách thửa mới hàng loạt.

Những khu đất đang rao bán theo diện phân lô tách thửa hiện nay đa số đã được tách thửa từ cách đây một năm, nay đã có giấy chủ quyền riêng, do một cá nhân đứng tên. Người mua đất sẽ ký hợp đồng công chứng sang tên trực tiếp với cá nhân này.

Trong thực tế, những lô đất sau khi phân lô tách thửa được bán sang tay cho những người đầu tư là nhiều, rất ít trường hợp người mua đất có nhu cầu nhà ở xây nhà tại các khu phân lô tách thửa này.

Mặc dù vậy, theo tiết lộ của nhiều nhân viên môi giới, những người chuyên kinh doanh bằng cách mua đất tách thửa hiện vẫn âm thầm mua đất nông nghiệp, chờ UBND TP ban hành quyết định mới thay thế quyết định 33 để tiếp tục tách thửa.

Tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè hoặc những vùng thuộc xã Long Trường, Long Phước của Q.9... các “đầu nậu” vẫn lùng mua những lô đất nông nghiệp từ 1.000m2 trở lên để chờ cơ hội chuyển mục đích, tách thửa.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ