“Tấc vàng” vào hàm cá mập (bài 1): Nuốt trọn “đất vàng”

Cập nhật 24/11/2017 14:25

Hàng triệu mét vuông đất, những "tấc vàng" quý giá của quốc gia đang bị sử dụng sai mục đích, bị các đại gia “cá mập” thâu tóm với giá rẻ mạt núp dưới vỏ bọc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Hậu quả là hàng chục nghìn tỷ đồng bị thất thoát, tài sản nhà nước bị hô biến, chảy sang túi cá nhân, trong khi ngân sách đang phải chắt chiu từng đồng vốn để đầu tư.

Khách sạn số 120 Quán Thánh với vị trí đắc địa đang bị bỏ hoang

Câu chuyện ồn ào của Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) đã phơi bày nhiều góc khuất của cổ phần hóa, song đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Trên thực tế, có không ít vụ việc cũng mang đậm chất VFS.

Nhà nước thiệt kép

Vào thời điểm cổ phần hóa năm 2015, Tổng công ty Licogi có quyền sử dụng đất lên tới 1.521.851 m2. Nhưng theo bản công bố thông tin của Licogi, hầu như những dự án đất vàng tại Hà Nội đều có lý do để bị loại trừ khỏi định giá.

Nổi bật nhất là Khu đô thị Thịnh Liệt, có diện tích tới 351.618 m2 và đã được UBND TP. Hà Nội giao Licogi làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh dự án khu đô thị mới. Hay lô đất 6.500 m2 trụ sở văn phòng E5 Phạm Hùng thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy được giao sử dụng 50 năm, nộp tiền sử dụng đất một lần. Với lý do chưa có ý kiến chính thức của UBND TP. Hà Nội trả lời về kế hoạch sử dụng đất khi cổ phần hóa, nên các lô đất của Licogi tại Hà Nội đều có giá trị 0 đồng.

Tương tự, lô đất hơn 4.700 m2 tại Long Thành, Đồng Nai, với lý do UBND tỉnh chưa thống nhất phương án sử dụng đất do Tổng công ty chưa hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kê khai và nộp thuế sử dụng đất vào ngân sách để đưa vào phương án cổ phần hóa nên lô đất hơn 4.700 m2 này không được đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.


Lạ hơn nữa là Khu đô thị mới Nam Ga, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) có diện tích tới 238.018 m2, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh giao Licogi làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án khu dân cư, nhưng cũng được định giá 0 đồng, dù Công ty đã nộp tiền sử dụng đất (hay nói cách khác đã có đất sạch để kinh doanh).

Sở hữu quỹ đất rất lớn, trong đó có nhiều dự án ở vị trí đắc địa, lại được định giá vỏn vẹn hơn chục tỷ đồng cho quyền sử dụng hơn 1,5 triệu m2 đất, không khó hiểu khi Licogi trở thành “con mồi” của nhiều nhà đầu tư bất động sản “cá mập”.

Vượt qua nhiều đối thủ, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông đã trở thành cổ đông chiến lược của Licogi sau khi mua vào 31,5 triệu cổ phần, tương đương 35% vốn điều lệ vào thời điểm Tổng công ty này tiến hành cổ phần hóa đầu năm 2015. Điều đáng nói là Công ty này không có năng lực trong mảng xây dựng hạ tầng, phần ngầm - ngành nghề cốt lõi của Licogi - mà chỉ chuyên đầu tư bất động sản.

Sau khi cổ phần hóa, từ doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, Licogi chuyển sang liên tục thua lỗ. Trong năm tài chính 2016, Công ty mẹ Licogi đã phát sinh khoản lỗ sau thuế 293,4 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 803,52 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, Công ty lỗ tiếp 38 tỷ đồng.

Đặc biệt, tới giữa tháng 3/2017, trong cơ cấu cổ đông của Licogi xuất hiện Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường, sở hữu 20 triệu cổ phiếu, tương đương 22,24% vốn điều lệ của Licogi. Công ty này mới thành lập năm 2015.

Nếu Bất động sản Khu Đông và Gia Cường có mối quan hệ hoặc liên kết, tỷ lệ sở hữu của họ là 57,24%, đủ để chi phối Licogi và vô hiệu hóa cổ đông nhà nước là Bộ Xây dựng. Vào thời điểm giá cổ phiếu Licogi rơi xuống mức thấp nhất là 4.000 đồng/cổ phần, Bất động sản Khu Đông đã đề xuất mua lại toàn bộ 40,71% vốn nhà nước tại Licogi.

Đề xuất này làm dấy lên lo ngại, có hay không việc nhà đầu tư chiến lược đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn, khiến giá cổ phiếu rớt sâu để thâu tóm cổ phần nhà nước, từ đó nắm quyền kiểm soát toàn bộ quỹ đất với giá rẻ mạt? Trong trường hợp này, Nhà nước đã thiệt kép, vừa thất thoát tài sản đất đai, vừa bị ép bán rẻ cổ phần vì các nhà đầu tư mới chẳng dại chôn vốn vào một doanh nghiệp đã bị nhóm nhà đầu tư khác chi phối.

“Cá mập” chặn lối: Thất thoát chùm

Dòng tiền rất thông minh và rất thính với cơ hội. Bởi vậy, ở không ít doanh nghiệp có quỹ đất lớn, ngay khi phương án cổ phần hóa được thông qua và hình bóng lừng lững của nhà đầu tư chiến lược chặn ngay cửa vào, thì cho dù doanh nghiệp có hấp dẫn đến đâu, việc bán cổ phần lần đầu cũng khó đạt giá tối ưu, đồng nghĩa với việc Nhà nước thất thu không nhiều thì cũng... rất nhiều.

Ví dụ trường hợp Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam). Vào thời điểm cổ phần hóa năm 2016, Vigecam quản lý quỹ đất thuê của Nhà nước rất lớn tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. HCM, trong đó có những vị trí "vàng", vị trí "kim cương" như mảnh đất số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội (diện tích 276 m2); mảnh đất số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội (diện tích 536 m2); mảnh đất số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích 1.585,4 m2), khu đất rộng 23.042 m2 tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện khu vui chơi giải trí.

Ngoài ra, Vigecam còn có quyền sử dụng mảnh đất tại số 166 - 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM (diện tích 554,94 m2) và thửa đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (diện tích 88.880 m2). Đó là chưa kể các cơ sở nhà đất thuộc quyền khai thác của các công ty con và công ty liên kết của Vigecam. Tuy nhiên, trong phương án cổ phần hóa Tổng công ty, giá trị tài sản đất đai bằng 0, vì toàn bộ các tài sản trên đều là đất thuê.

Cũng theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước bán toàn bộ vốn tại doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không và Tổng công ty Rau quả, nông sản được mua tới 70% cổ phần của Vigecam. 6,4 triệu cổ phiếu bán đấu giá đã được mua với giá bình quân 10.206 đồng/cổ phần, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần.

Cổ phiếu IPO giá rẻ, nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần giá rẻ  (theo quy định, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược bằng với giá đấu bình quân), chỉ có Nhà nước là thiệt chùm, vừa mất đất, vừa mất tiền (nếu doanh nghiệp không bị thâu tóm có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá và bỏ giá cao hơn). Thực tế, Nhà nước chỉ thu được chưa đầy 200 tỷ đồng từ việc bán toàn bộ cổ phần tại Vigecam.

Hẳn do thâu tóm được tài sản với giá rẻ nên các nhà đầu tư bỏ vốn vào Vigecam chẳng mấy sốt ruột để tài sản nhanh chóng sinh lời. Bằng chứng là nhiều khu đất có vị trí rất đẹp, là mơ ước của nhiều doanh nghiệp khác đang bị bỏ hoang, nằm phơi nắng phơi sương như tòa nhà 11 tầng tại số 120 Quán Thánh.

Trở lại câu chuyện của VFS. Khi thực hiện cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng, giá trị doanh nghiệp của VFS chỉ được xác định vỏn vẹn 50 tỷ đồng (cổ đông chiến lược Vivasco trả 32,5 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần). Vì sao giá trị doanh nghiệp của VFS lại thấp như vậy khi Hãng phim này đang nắm giữ hàng nghìn m2 đất vàng ở số 4 Thụy Khê (Hà Nội)? Câu trả lời là toàn bộ quyền thuê đất được định giá 0 đồng.

Có thể kể hàng loạt doanh nghiệp cổ phần hóa gần đây có tình trạng tương tự, chẳng hạn Công ty cổ phần Thăng Long GTC, Công ty cổ phần Quảng cáo và hội chợ thương mại Vinexad, Công ty cổ phần Giày Sài Gòn, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn - Seaprodex Sài Gòn, Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam - Vinasport, Công ty cổ phần Cảng Nha Trang, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn…

Trường hợp Seaprodex Sài Gòn mới đây đã xin đổi tên thành Địa ốc SSN, liên doanh, liên kết khai thác một loạt dự án bất động sản trên các khu đất thuê từ thời doanh nghiệp nhà nước và đoạn tuyệt hoàn toàn với ngành nghề cốt lõi là xuất khẩu thủy sản.

Không chỉ thất thoát về lợi thế giá trị đất đai, giá cổ phần bèo bọt, thực tế đang xảy ra ở Licogi, VFS, Seaprodex Sài Gòn… còn chỉ ra một lãng phí ghê gớm khác. Đó là nhiều thương hiệu vang bóng một thời, với lịch sử xây dựng hơn nửa thế kỷ, thậm chí doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả như Licogi, đứng trước nguy cơ bị đánh sập vì nhà đầu tư chỉ nhắm đến đất chứ không muốn ngó ngàng tới ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Thất thoát từ cổ phần hóa: Nóng diễn đàn Quốc hội

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhẩm tính, nếu đem đấu giá công khai minh bạch các doanh nghiệp có quỹ đất lớn như trên, số tiền mà Nhà nước có thể thu được sẽ lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Theo quy định hiện hành (Nghị định 59/2011/NĐ-CP), trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa chọn hình thức thuê đất thì không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Không phải vô tình mà nhiều doanh nghiệp và ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp đều chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Bởi có như vậy, doanh nghiệp mới nắm trong tay quỹ đất khổng lồ, với nhiều vị trí “đất vàng”, “đất kim cương” tại các thành phố lớn, nhưng giá trị lại chỉ được xác định 0 đồng.

Những doanh nghiệp có “quyền được thuê” nghiễm nhiên mang trong mình lợi thế lớn và trở thành con mồi của các đại gia bất động sản. “Để săn được mồi, nhà đầu tư “cá mập” không ngại chi phí lót tay. Tham nhũng, lợi ích nhóm có thể nảy sinh từ đây, nói cách khác tiền Nhà nước đang chảy vào túi cá nhân”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định.

Tiếng chuông về sự thất thoát, lãng phí thông qua cổ phần hóa đã gây nhiều bức xúc với người dân và được nhắc đến không ít lần qua câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Khóa XIV đang diễn ra. Các ông Đặng Ngọc Nghĩa (đại biểu Thừa Thiên Huế), Đỗ Đức Hồng Hà (đại biểu TP. Hà Nội), Trương Minh Hoàng (Đại biểu Cà Mau)… đã đặt câu hỏi về tình trạng thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa, qua lỗ hổng định giá đất đai với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Còn trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bức xúc bày tỏ quan điểm về việc cổ phần hóa VFS: “Tôi tự hỏi là ông chủ đầu tư có định làm phim hay không, hay ông ấy mua cổ phần hãng phim để làm cái khác?”. Chủ tịch đã đặc biệt lưu ý Bộ Tài chính không cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước bằng mọi giá, nhất là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu nổi tiếng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán