Tác động dây chuyền từ việc siết chặt tín dụng BĐS

Cập nhật 15/06/2011 13:50

Với cách siết chặt tín dụng đối với thị trường bất động sản một cách đại trà như hiện nay, nhiều ngành nghề sản xuất trong lĩnh vực bất động sản cũng bị rơi vào khó khăn.


Hình minh hoạ

Chính sách siết chặt tín dụng đối với thị trường bất động sản đã cho thấy có những tín hiệu tốt. Đó là giảm đầu cơ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với cách siết chặt một cách đại trà như hiện nay, nhiều ngành nghề sản xuất trong lĩnh vực bất động sản cũng bị rơi vào khó khăn. Vì thế, đã có những ý kiến cho rằng, cần phải định rõ đâu là những khâu cần thắt chặt, và đâu là những lĩnh vực cần tiếp tục tạo điều kiện để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất.

Tất cả các mặt hàng VLXD phục vụ cho ngành xây dựng đang ở trong tình trạng bị tồn kho, ế hàng. Lý do là theo Quy đinh của Chính phủ là lĩnh vực sản xuất sẽ được ưu tiên vay vốn phát triển sản xuất, mà bất động sản lại đang được xem là ngành phi sản xuất nên bị siết chặt tín dụng.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia cho rằng cách đánh giá như thế chưa hoàn toàn hợp lý. Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nói: “Chúng ta đang gom chúng tất cả BĐS vào khu vực gọi là phi sản xuất. Tuy nhiên BĐS không phải là nằm toàn bộ trong khu vực phi sản xuất. Trong bản thân ngành BĐS có rất nhiều các hoạt động rất quan trong thuộc về khu vực sản xuất”.

Vật liệu xây dựng là ngành sản xuất và cũng là đầu vào của ngành bất động sản. Vì thế khi tín dụng bất động sản bị siết chặt, các công trình xây dựng bị ngừng lại thì cũng ngành sản xuất vật liệu cũng gặp khó khăn.

Ông: Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói: “Chúng ta phải chọn lựa những lính vực những dự án mà có tính thanh khoản cao, có tính hiệu quả thục tiến, quy mô căn hộ trung bình, giá bán căn hộ ở mức chấp nhận được, phù hợp với khả năng thanh khoản của người dân thì chúng ta tiếp tục cho vay”. Để việc hạn chế tín dụng đối với bất động sản không gây ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành sản xuất, Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để đánh giá và đưa ra các tiêu chí thế nào là ngành bất động sản.

Ông: Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam nói: “Bộ Xây dựng phối hợp với Thống đốc Ngân hàng nhà nước xây dựng và đánh giá tổng hợp thị trường BĐS và đề xuất những vấn đề còn vường mắc. Tôi nghĩ rằng chỉ có phối hợp đánh giá, chúng ta đưa ra tiêu chí để thích hợp với điều kiện Việt Nam và cũng theo thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này”.

Các doanh nghiệp mong rằng, sớm có quy định chi tiết và rõ ràng hơn về việc thế nào là ngành nghề sản xuất trong lĩnh vực bất động sản… để họ có thể tiếp tục sản xuất, giảm bớt khó khăn.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV