Rừng phòng hộ ven biển vốn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sinh thái các tỉnh miền Trung , hiện tại đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp vì nhiều nguyên nhân. Và điều này kéo theo nguy cơ gia tăng sa mạc hoá khu vực đất canh tác bên trong rừng phòng hộ. Thực tế này đòi hỏi phải có sự dung hoà hợp lý giữa yêu cầu phát triển với việc ưu tiên giữ lại những cánh rừng phòng hộ.
Những khoảnh đất trống ven biển nhiều hơn sau mỗi mùa xây dựng. Đã có nhiều cây phi lao biến mất. Dấu vết của những lần khai thác trái phép cát ven biển. Người ta lấy cát, khoét sâu vào rễ phi lao. Ngay cả loài cây được xem là bền bỉ với nắng gió này cũng không sống được.
Khu dân cư bên trong rừng phi lao. Những gốc, những thân cây phi lao chuẩn bị đem làm củi đốt. Chủ nhân số củi này cho rằng: họ mua tận thu từ nhiều tháng trước. Nhưng dấu hiệu cho thấy số phi lao này mới vừa chặt xuống. Người ta mua mỗi cây phi lao 50 ngàn đồng để làm củi đốt và đã có cả chuyện chặt trộm phi lao để bán.
Đây chỉ là hai trong nhiều sức ép đang xảy ra hàng ngày ở rừng phòng hộ ven biển và hậu quả cuối cùng là diện tích rừng phi lao đang bị thu hẹp rõ rệt.
Rừng phi lao thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 2 phường 9 có độ tuổi trên dưới 30 năm. Nó là vành đai che chắn gió cát cho cả thành phố Tuy Hoà. Báo cáo mới nhất của HTX này cho thấy: từ chỗ trên 600 ha, nay rừng phi lao của địa phương chỉ còn chưa đầy 400 ha.
Dãi đất cát ven biển trở nên đáng giá khi khu vực này tập trung các dự án công nghiệp, du lịch, khu dân dụng. Quỹ đất cát ven biển buộc phải chuyển sang mục đích khác chứ không chỉ còn là đất lâm nghiệp. Điều này là cần thiết nhưng cũng đặt ra phải phải tính đến các giải pháp thay thế rừng phi lao trong việc chống sa mạc hoá.
Tốc độ sa mạc hoá ở nước ta thực sự là điều đáng lo ngại, mỗi năm sa mạc hoá làm suy tháoi hàng nghìn ha đất canh tác. Một trong các nguyên nhân là diện tích rừng ven biển bị thu hẹp.
Nắng như gay gắt hơn ở những vườn đất cát ven biển như thế này. Dù đã lựa chọn những giống cây trồng cạn để canh tác nhưng nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện đất bị sa mạc hoá. Lượng nước để tưới phải nhiều hơn, đồng nghĩa chi phí tăng cao.
Tại tỉnh Phú Yên, đất lâm nghiệp được quy hoạch dành cho rừng phòng hộ ven biển khoảng 4300 ha, diện tích phủ rừng là 2100 ha. Tuy nhiên, cho đến lúc này, việc cập nhật hiện trạng rừng phòng hộ ven biển chưa làm được ở nhiều địa phương. Cũng vì thế, việc bảo vệ rừng ven biển chưa có được giải pháp cụ thể, dung hoà phát triển kinh tế với giữ diện tích rừng phi lao tiếp tục là điều khó.
Khu đất từng phủ xanh phi lao này, nay nhường chỗ cho một công trình xây dựng. Công trình xây dựng dở dang, chưa mang lại hữu ích. Sự đánh đổi của cây phi lao chưa mang lại kết quả tương xứng.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV