Sau cơn dư chấn do động đất tại Indonesia vừa qua, nhiều gia đình ở cao ốc đang tỏ ra lo lắng và băn khoăn về độ an toàn khi xảy ra động đất. PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với T.S Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề sức chịu đựng của các chung cư Việt Nam.
Không cần lo lắng về chung cư Việt Nam
Được biết, cơn dư chấn làm rung lắc nhiều tòa nhà khiến dân cư ở các cao ốc tại TP.HCM hoảng loạn chạy xuống đường thoát thân. Hai tiếng sau, một đợt lắc nhẹ nữa khoảng 30 giây tiếp tục khiến mọi người như "ngồi trên đống lửa".
Người dân không cần lo lắng về khả năng chống chịu động đất ở các chung cư.
Thậm chí, nhiều người còn lo lắng đến mức không dám trở lại những tòa chung cư, cao ốc của gia đình mình mà phải ngủ trong các nhà nghỉ. Được biết, không chỉ ở TP.HCM, người đang sinh sống tại Hà Nội cũng cảm nhận được cơn động đất cực lớn ở Indonesia. Bằng chứng là đúng thời điêm trên, tại các tòa nhà cao tầng, nhiều người thấy đồ đạc rung lắc, bàn ghế còn bị đổ…
Hàng loạt vụ động đất nhiều năm qua
- Ngày 26.1.2011, nhiều tòa nhà ở TP. HCM và Vũng Tàu bị rung lắc kéo bởi một trận động đất 4, 7 richter xảy ra ngoài khơi biển Vũng Tàu.
- Đêm 28.11.2007, TP. HCM đã xảy ra trên đới đứt gãy Bình Thuận - Vũng Tàu có cường độ 4,5-5 độ richter tại tâm chấn.
- Ngày 5.8.2005, TP. HCM bị rung lắc nhẹ khi một trận động đất xảy ra ngoài khơi (cách Vũng Tàu 20-30 km), cường độ 4-5 độ richter.
- Năm 1983, xảy ra động đất ở Tuần Giáo (Lai Châu) mạnh 6, 7 độ richter.
- Năm 1935, Điện Biên xảy ra động đất 6, 8 độ richter.
- Năm 1954, động đất ở Lục Yên (Yên Bái) với cường độ 5, 5 độ richter.
- Năm 1958, Vĩnh Phúc xảy ra động đất 5, 7 độ richter. |
Hiện nay, nhiều gia đình sở hữu chung cư, cao ốc đang tỏ ra lo lắng và băn khoăn về các tòa nhà này có an toàn khi xảy ra động đất. Đặc biệt, các tòa nhà trên có thể chịu được cường độ động đất ở mức nào? Trao đổi với Người đưa tin về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM khẳng định, người dân không cần lo lắng về khả năng chống chịu động đất của các chung cư tại Việt Nam. Bởi vì, khi xây dựng các công trình, người ta đã tính sức chịu đựng lực gió (lực gió tương đồng với lực động đất từ 5 độ richtes trở lên theo quy định của Bộ Xây dựng).
Vì thế, khi đã tính lực gió đủ thì dù có động đất ở một mức độ cho phép thì các tòa nhà vẫn không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, không như ở nước ngoài, TP. HCM và Hà Nội nếu có xảy ra động đất thì cường độ cũng rất thấp. Các vụ động đất trước cho thấy, các tòa nhà không hề có sự ảnh hưởng nghiêm trọng nào. Vị phó chủ tịch Hiệp hội BĐS còn dẫn chứng, nhiều công trình xây dựng trước năm 1975, chất lượng thấp, thậm chí còn bị cơi nới thêm nhiều tầng nữa nhưng sau một vài trận động đất vẫn chưa ảnh hưởng. Dù thực tế, các công trình trước năm 1975 này xây dựng hoàn toàn không đạt mức chịu lực đứng của bản thân nó, chứ chưa nói đến chịu được lực gió, động đất.
Đối với các công trình xây dựng mới, quy định của ngành xây dựng phải chịu được động đất hệ số chấn động cấp 7 (thang MSK-64 gồm 12 cấp áp dụng trong xây dựng, được quy đổi từ độ richter trong chuyên ngành vật lý) thì các doanh nghiệp đều đã thử trước. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư muốn khách hàng yên tâm làm hệ số chấn động cấp 8, cấp 9.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, phó giám đốc sở Xây dựng TP.HCM, các công trình xây dựng ở TP.HCM đều được thiết kế chịu động đất cấp 7. Riêng tòa nhà Bitexco cao 68 tầng được chủ đầu tư thiết kế với khả năng chịu được động đất cấp 8. Chính vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm.
Khi được hỏi về các ngôi nhà bình thường sẽ bị ảnh hưởng như thế nào từ động đất, ông Nguyễn Văn Đực khẳng định: "Những nhà dân dưới 4 tầng nằm trong khả năng chịu động đất nên người dân hoàn toàn yên tâm. Hơn nữa, từ trước đến nay, ở TP.HCM cũng như cả nước, chưa có trường hợp nào nhà sập vì động đất cả".
TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ xây dựng |
Động đất nguy hiểm với chung cư xuống cấp
PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với T.S Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề sức chịu đựng của các chung cư Việt Nam.
* T.S đánh giá như thế nào về trận động đất tại Indonesia và ảnh hưởng của nó đến TP. HCM hôm 11/4?
Vụ động đất bên Indonesia mới đây có thể xếp nó vào 1 trong 10 trận động đất mạnh nhất thế giới trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tôi được biết, ảnh hưởng của nó đến Việt Nam là không nhiều, chỉ là những đợt dư chấn nhỏ, thưa. Với cấp độ ấy, nó không ảnh hưởng đến các tòa nhà, chung cư cao tầng ở TP.HCM cũng như các đô thị tại Việt Nam.
* Hiện nay công tác đối phó lại với động đất của các chung cư ở Việt Nam như thế nào thưa T.S?
Nước ta nhiều năm qua đã có quy định về tiêu chuẩn mức độ chịu động đất đối với các tòa nhà. Khi một chủ đầu tư muốn xây tòa nhà đó, phải trình lên các cơ quan chức năng về mức độ chịu động đất đúng theo quy định rồi mới được xây dựng. Từ năm 2006, Việt Nam đã chính thức ban hành một Bộ tiêu chuẩn xây dựng về thiết kế công trình chịu động đất.
Theo đó, quy định khá rõ các tiêu chí cần tuân theo về khung chịu lực, hệ giằng, giầm…Sao cho nhà cao tầng ở các khu vực có nguy cơ phải chịu được tối đa động đất 5 độ richter. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những công trình cao ốc, quan trọng như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội…người ta cũng nâng mức chịu động đất lên hơn một cấp độ so với quy định.
* Xin T.S hãy cho biết vì sao trong cơn dư chấn ngày 11/4, các tòa nhà cao tầng đều "rung rinh". Liệu như vậy có an toàn?
Mặc dù các nhà quản lý của ta cảnh báo số liệu dư chấn động đất chưa thật đầy đủ nhưng việc các tòa nhà rung rinh như hôm 11/4 làõ chuyện thường. Với mức gió to thì trên tầng 20 cũng cảm thấy rung rinh chứ không phải chỉ riêng động đất. Tôi được biết, ở Tokyo (Nhật Bản), tình trạng nhà rung rinh là chuyện xảy ra hàng ngày. Người Việt Nam chưa quen nên cảm thấy hoang mang cũng là chuyện dễ hiểu.
* Nhiều người dân lo lắng về các chung cư cũ, xuống cấp sẽ không chống chịu được động đất, quan điểm của T.S như thế nào?
Tôi cho rằng, chắc chắn các chung cư xuống cấp trầm trọng sẽ hạn chế khả năng chống chịu với động đất. Hơn nữa, các tòa nhà xây trước năm 1975, chủ yếu làm bằng kết cấu kim loại cũng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng nếu động đất xảy ra. Đây là những công trình chịu được động đất rất kém, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng nên rà soát lại để có hướng khắc phục kịp thời. Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Nguời Đưa Tin