Giá đất quận 2, TP.HCM tăng cao đang kéo giá của các suất tái định cư cũng tăng theo. Hiện có suất tái định cư được rao giá lên đến vài tỉ đồng...
Giám đốc một trung tâm giao dịch địa ốc trên đường Lương Định Của, quận 2, cho biết dù người tìm suất tái định cư không còn nhiều như thời điểm đất quận 2 đang “sốt” nhưng “mặt hàng” này vẫn đang bán chạy.
Bán trong ngày
Anh này cam kết nếu có suất ký gửi qua chợ chỉ trong một ngày là bán xong. Anh nói có thông tin cho biết chủ đầu tư sắp giao nền đất và TP sắp có chính sách hỗ trợ đợt ba (?) nên gần đây có người chấp nhận mua suất tái định cư tăng lên 1 - 1,2 triệu đồng/m2. Hiện có trường hợp gom lên đến 100 - 200 suất để chờ đợi!
Không chỉ bán suất tái định cư, người dân ở đây còn bán cả nền tái định cư tạm. Ông T., một người dân, được bố trí tái định cư tạm nền đất diện tích 5x20m tại một dự án ở quận 2.
Theo qui định, người được bố trí chỉ xây nhà tạm, khi có dự án phù hợp sẽ chuyển sang nơi khác ở. Nhưng mới xây nhà tạm xong, ông T. đã bán cho một người khác với giá 620 triệu đồng. Mới đây, người mua tiếp tục rao bán lại với giá 950 triệu đồng.
Riêng các dự án tái định cư đã giao nền, giá cũng tăng lên vùn vụt. Điển hình như khu tái định cư 17,3ha tại phường An Phú (thuộc dự án đại lộ đông - tây) hiện nay giá không dưới 30 triệu đồng/m2, dù nền đất vẫn chưa được cấp giấy đỏ. So với các dự án đã có giấy đỏ xung quanh thì mức giá này chỉ thấp hơn 3-5 triệu đồng/m2.
Đối mặt với rủi ro
Theo những người môi giới nhà đất tại quận 2, giá suất tái định cư tăng nhanh trong vài tháng trở lại đây khi giá đất tại quận 2 tăng cao.
Cách đây một năm, mỗi suất tái định cư được rao bán với giá phổ biến từ 90-300 triệu đồng. Nhưng nay có suất được rao từ 1 - 2 tỉ đồng, thậm chí có suất lên đến 3 tỉ đồng tùy theo diện tích căn hộ chung cư hay nền đất (gọi chung là nền đất).
Anh Th., một “cò” đất tại phường An Phú, quận 2, cho biết hiện giá bình quân từ 12 - 15 triệu đồng cho mỗi mét vuông suất tái định cư. Ngoài khoản tiền này, người mua còn phải trả tiền mua “chính thức” cho chủ đầu tư dự án khi nhận nền.
Trước đây, khi chưa đền bù theo giá thị trường (trong điều kiện bình thường), người bị giải tỏa được mua nền đất tái định cư với giá ưu đãi. Cộng khoản tiền này với tiền mua suất tái định cư thì giá vẫn còn thấp hơn giá thị trường. Đây là lý do mà nhiều người tranh nhau tìm suất mua và đẩy giá lên cao.
Nhưng nay theo qui định, Nhà nước sẽ đền bù theo giá thị trường và bán nền đất cũng theo nguyên tắc này nên người mua sẽ gặp nhiều rủi ro.
Giám đốc một công ty môi giới phân tích: nếu chủ đầu tư bán nền bằng giá thị trường thì chắc chắn người mua lỗ. Chưa kể những rủi ro khác liên quan đến tính pháp lý của hồ sơ vì hai bên chỉ sang tay với nhau, kèm theo giấy ủy quyền khi làm các thủ tục liên quan.
Tuy nhiên, những người mua suất tái định cư đang kỳ vọng giá bán nền đất tái định cư thấp hơn giá thị trường. Ngoài ra họ hi vọng Nhà nước sẽ có thêm chính sách hỗ trợ để người mua suất tái định cư được nhận thêm tiền chênh lệch.
Một trung tâm môi giới khác dự báo với mức giá tăng như hiện nay, nhiều người trước đây bán giá thấp sẽ quay lại người mua để “đòi” thêm tiền. Nếu không chi tiền sau này họ sẽ không ký giấy tờ để lãnh tiền hỗ trợ hoặc nhận nền đất. Vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tương tự, phải đưa nhau đến tòa án nhờ can thiệp.
Cứ bán, cứ mua, chẳng cần pháp lý
Theo qui định, những hộ bị giải tỏa đủ điều kiện sẽ được tái định cư bằng căn hộ chung cư hoặc nền đất. Nhưng trong thời gian chờ tái định cư, không ít trường hợp đã bán suất tái định cư để lấy tiền chênh lệch.
Dù đa số các trường hợp này đều giao dịch "ngầm" với nhau, nhưng hiện nay thị trường này diễn ra khá sôi động ở hầu hết các dự án có tái định cư.
Khá nhiều trường hợp mua suất tái định cư từ nhiều năm qua đến nay vẫn chưa được sang tên, cấp giấy chủ quyền. Gần đây, UBND TP còn chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, thậm chí cần thiết phải xử lý hình sự.
Riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm có hơn 12.000 hộ dân bị giải tỏa, trong đó có hàng ngàn hộ đủ điều kiện tái định cư. Việc chuyển nhượng qua lại các suất tái định cư đang diễn ra khá sôi động nhưng lại phức tạp, nhiều rủi ro.
Theo Tuổi Trẻ