Sau một năm tăng trưởng khá ấn tượng từ việc nới dòng tiền đổ vào bất động sản (BĐS) dẫn đến tình trạng bùng nổ đầu cơ, kinh doanh thứ cấp, dẫn đến rủi ro cao. Trước thực trạng trên, NHNN đã sửa thông tư 36 để can thiệp dòng vốn, khiến thị trường BĐS có nguy cơ chững lại.
Thông tư (TT) 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, khiến thị trường BĐS lo lắng. Đó là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 40%, hệ số rủi ro tín dụng kinh doanh BĐS từ 150% lên 250%. Các chuyên gia đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề trên.
Bất động sản sẽ chững lại?
Những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn vốn nới rộng, khi bị siết lại đều cho rằng đây là thời điểm rất nhạy cảm, thị trường BĐS vừa phục hồi, nếu bị siết lại sẽ gây nhiều hệ luỵ cho nhà đầu tư và khách hàng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: “Việc điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là hợp lý về mặt vĩ mô khi nền kinh tế đang có dấu hiệu thâm dụng vốn và thâm hụt tín dụng. Tín dụng BĐS tăng mạnh, góp phần tăng tỷ lệ tín dụng trung dài hạn/tổng tín dụng lên mức giới hạn 50%”.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng và BĐS đã ngày càng cao hơn tốc độ tăng GDP, đặc biệt là năm 2015, điều đó chứng tỏ kinh tế tăng trưởng theo kiểu “ngựa quen đường cũ”, vẫn dựa trên thâm dụng vốn và đưa vốn vào BDS.
Vốn vay trung dài hạn của NH cũng tăng liên tục cho thấy NHTM vẫn ưa chuộng cho vay BDS. Đặc biệt, đây là nơi tạo ra nợ xấu khủng và là nguyên nhân khiến các ngành sản xuất kinh doanh cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn. Vì vậy, việc đưa tín dụng về tiêu chuẩn là cần thiết, tăng rủi ro tín dụng BĐS là phù hợp khi lãi suất cho vay có xu thế tăng.
Ông Hiển cũng cho rằng không nên quá lo lắng về việc Thông tư 36 thắt chặt tín dụng trong năm 2016, bởi dư địa cho vay trung dài hạn là 540.000 tỷ đồng trong khi dư địa BĐS hiện mới 390.000 tỷ đồng. Nhưng Thông tư 36 tác động đến tâm lý nhà đầu tư đầu cơ, khiến họ chùn bước không dám đầu cơ. Còn người mua đầu tư và ở lâu dài không ảnh hưởng tâm lý.
Việc sửa TT 36 sẽ làm lành mạnh thị trường BĐS, hạn chế tăng nguồn cung, giúp thị trường cân bằng cung cầu. Nhưng về lâu dài, thị trường cần thành lập quỹ tín thác để bất động sản phát triển bền vững.
Theo Ts. Bùi Quang Trí – Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng Tp.HCM, trên 90% nguồn vốn huy động của ngân hàng vẫn là ngắn hạn, nhưng việc cho vay trung hạn và dài hạn đang tăng đạt gần mức 40% tại nhiều NHTM nên cần phải siết lại, nếu không sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Việc điều chỉnh này sẽ làm giảm tổng mức cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS (vốn chủ yếu là cho vay trung dài hạn). Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm nay sẽ khó đạt được đối với các NHTM. Đây sẽ là gánh nặng cho các NHTM khi lãi suất huy động và cho vay đang dần tăng lên.
Việc siết dòng tiền vào thị trường BĐS cần có lộ trình, tránh gây liệu pháp sốc và tạo ra tâm lý “đóng băng” từ phía người mua nhà.
|