Đại biểu cho rằng điều kiện sửa Luật Đất đai đã chín muồi, nhưng Phó thủ tướng nói chưa đủ thời gian để xử lý những vấn đề phức tạp, nên nếu sửa vào cuối năm nay thì rất lo.
Nhiều vị đại biểu Quốc hội không đồng ý lùi thời hạn sửa Luật Đất đai theo đề nghị của Chính phủ.
|
Phiên thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 chiều 1/6 vẫn tràn ngập tâm tư đại biểu về việc Luật Đất đai chậm được sửa đổi.
Bởi sau hơn một lần xin hoãn, dự án luật này đã được Quốc hội quyết định sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Song, Chính phủ lại tiếp tục đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.
Đại biểu Võ Thị Dung (Tp.HCM) phát biểu rằng “nhân dân cả nước trông đợi từng ngày, từng giờ Quốc hội xem xét sửa đổi luật này”.
Theo đại biểu Dung, đã có tổng kết ở các địa phương và Trung ương về 10 năm thực hiện Luật Đất đai, đó là cơ sở và điều kiện thực tiễn hiện nay đã chín muồi để sửa luật.
Đề nghị giữ nguyên là sẽ cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 và thông qua vào kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng việc sửa Luật Đất đai có đủ các điều kiện để xúc tiến nhanh, vì đã có những định hướng lớn từ Nghị quyết Trung ương 5.
Đây là vấn đề bức xúc lớn trong đời sống của người dân, khoảng trên 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến Luật Đất đai, là vấn đề nóng bỏng phức tạp hàng ngày, hàng giờ ở các địa phương, quá trình chuẩn bị cho quá trình sửa đổi này cũng lâu rồi, ông Học sốt ruột.
Với đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) thì lý do chuẩn bị chưa kịp là không ổn vì thời gian chuẩn bị quá lâu rồi. Còn nếu vì phải chờ sửa đổi Hiến pháp là chưa thuyết phục. “Vì sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền sở hữu đất đai thì chờ nhân dân tham gia và Quốc hội quyết định là đúng rồi nhưng định hướng Hội nghị lần thứ 5 Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương là những định hướng rất phù hợp và sát, đúng, đã có cơ sở lý luận và thực tiễn để chúng ta xem xét sửa đổi” ông Tiến nói.
Hơn nữa, nếu 2015 luật này mới có hiệu lực thì “thử hỏi tình hình đất đai hiện nay đã phức tạp rồi nếu để đến đó thì sẽ phức tạp bao nhiêu nữa, có bảo đảm được tình hình an sinh xã hội hay không”, đại biểu Tiến quan ngại đặt vấn đề.
Lý do để không lùi sửa Luật Đất đai được nữa, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) là "vì tình hình diễn biến có nhiều cấp bách. Có thể không sửa đổi về sở hữu nhưng cần bổ sung sửa đổi gấp về quyền của người dân sử dụng đất và thẩm quyền của nhà nước. Hiện nay tôi cho rằng quan hệ này đang có dấu hiệu khủng hoảng, gây ra những xung đột ngày càng nóng, chứng tỏ quy định hiện hành không ổn".
Rất cấp thiết, khó cũng phải làm để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, không lùi thêm được nữa… cũng là ý kiến được nhấn mạnh tại không ít phát biểu liên quan đến sửa Luật Đất đai.
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn nút đăng ký phát biểu, chia sẻ với rất nhiều ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về sự cần thiết để sớm sửa đổi Luật Đất đai. Đồng thời, "xin báo cáo với Quốc hội một số nội dung sau để các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc và quyết định”.
Ông cho biết, vừa qua hội nghị Trung ương 5 đã ra kết luận về 8 vấn đề mà đã rõ trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. Như sở hữu đất đai, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, mở rộng quyền, hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xử lý khiếu nại, tố cáo trong quá trình thu hồi đất và cải cách hành chính.
Tuy nhiên, Trung ương cũng thấy đất đai là một vấn đề hết sức phức tạp, cần xem xét một cách hết sức thận trọng, do đó giao cho Chính phủ tiếp tục phải làm rõ một số nội dung để trình ra hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 năm nay, trên cơ sở đó Trung ương sẽ ra nghị quyết định hướng những vấn đề sửa đổi Luật Đất đai.
Theo Phó thủ tướng, về giá đất thì Trung ương thấy quy định như hiện nay còn chưa đủ rõ và còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Hay vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư . vấn đề thế chấp quyền sử dụng đất và xử lý vấn đề đất đai cho đồng bào các dân tộc miền núi.., cũng cần phải làm rõ.
“Nếu chúng ta đưa việc sửa đổi Luật Đất đai sớm vào cuối năm nay thì tôi rất lo, vì những vấn đề tôi vừa báo cáo là những vấn đề hết sức phức tạp, nếu chúng ta xử lý chưa đủ thời gian, chưa đủ chín thì chất lượng luật của chúng ta sẽ không bảo đảm”, ông Hải nói.
Phó thủ tướng cho biết thêm, một trong những vấn đề mà vừa rồi Trung ương tổng kết, trong các vấn đề về đất đai thì các văn bản quy phạm pháp luật ra rất nhiều, khoảng 400 văn bản, nhưng chồng chéo cũng rất lớn. Chính vì vậy, để cho chính sách pháp luật về đất đai ổn định qua từng thời kỳ, không tạo ra những bất cập mà thường xuyên vẫn phải xử lý, “chúng tôi muốn đề nghị với Quốc hội cân nhắc về thời hạn, cho giữ nguyên thời hạn như đã trình”, ông kiên trì quan điểm của Chính phủ.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy