Sử dụng đất lúa phí phạm: Phải chế tài!

Cập nhật 09/05/2009 01:15

Thay vì có thể sử dụng các loại đất xấu khác, nhiều địa phương lại lấy đất lúa để làm KCN, khu đô thị, sân golf... vô tội vạ.

“Mỗi hộ dân bị thu hồi đất trung bình có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm. Mỗi hecta đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ lấy đi cơ hội việc làm của 13 lao động ở nông thôn. Sau khi thu hồi đất, hơn 50% số hộ có thu nhập giảm so với trước...”. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo chính sách pháp luật đất đai liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn do Hội Khoa học đất Việt Nam tổ chức hôm qua (8-5).

Bảy năm xóa sổ 335 ngàn ha đất lúa

Số liệu điều tra tại 16 địa phương trọng điểm về thu hồi đất cho thấy trong tổng số diện tích đất bị thu hồi, đất nông nghiệp chiếm gần 90%. 80% khiếu kiện của người dân trên cả nước liên quan đến đất đai, trong đó 70% khiếu nại về giá bồi thường, 20% khiếu nại yêu cầu bồi thường thêm theo giá đất mới.

“Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT - PV), trong bảy năm qua, từ 2001 đến 2007, ở nước ta tổng số đất nông nghiệp bị thu hồi, chuyển sang đất phi nông nghiệp trên 500 ngàn ha, trong đó có đất lúa là trên 335 ngàn ha” - ông Vũ Năng Dũng, Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, cho biết. Theo ông Dũng, nhiều địa phương có điều kiện xây KCN ở khu vực đất đồi núi, đất nông nghiệp kém hiệu quả, không phải là đất lúa nhưng vẫn quy hoạch cho lập các KCN trên đất lúa như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương...

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ray rứt vì làm như vậy không chỉ mất trắng đất nông nghiệp cho các dự án mà nhiều khu vực đất lúa khác cũng rơi vào tình trạng sống dở chết dở. Theo ông Dũng, mỗi hecta đất nông nghiệp dành cho khu đô thị, KCN, sân golf thường kéo theo khoảng 1-2 ha đất liền kề không sử dụng được do ô nhiễm nước, khí thải...

Cần khoanh vùng bảo vệ đất lúa

Ông Tôn Gia Huyên (Hội Khoa học đất Việt Nam) cho rằng cần hạn chế đến mức thấp nhất việc thu hồi đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích khác. Trong trường hợp bất khả kháng thì phải tránh việc thu hồi quá nhiều đất lúa. Các địa phương cần chấp nhận đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để có thể khai thác các vùng đất khác. “Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT cần quy hoạch các vùng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước ở từng địa phương. Cần bảo vệ nghiêm ngặt, cắm mốc trên thực địa đối với loại đất này để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời có chế tài nếu chuyển đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp ở các địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác” - ông nói.

Để tháo gỡ khó khăn cho người bị thu hồi đất, nhiều ý kiến ủng hộ việc cho cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất tham gia đóng góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các dự án đầu tư kinh doanh. Ông Đặng Kim Khôi (Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp) kiến nghị: “Các hộ nông dân bị thu hồi đất sẽ là cổ đông của doanh nghiệp lấy đất. Phần đất bị thu hồi sẽ là phần góp vốn của nông dân. Doanh nghiệp phải trả cổ tức theo tỷ lệ thỏa thuận với người dân. Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản hay ngừng hoạt động, đất đai sẽ được trả lại cho người dân”.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP