Sự đánh đố dành cho nhà quản lý

Cập nhật 15/01/2010 11:40

Một ngôi biệt thự cổ trên đường Lê Lai (Đà Lạt) được cho thuê. Ảnh: K.D.

Để có tiền xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho ngành xây dựng bán đấu giá hoặc cho thuê 42 ngôi biệt thự cổ và nhà biệt lập trên địa bàn TP.Đà Lạt.

Thông tin trên được UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức công bố trong cuộc họp bàn về vấn đề này ngày 13.1.

Đây là những ngôi biệt thự cổ và nhà biệt lập được người Pháp xây dựng có tuổi từ 50 - 70 năm, nhưng chất lượng còn rất tốt và hiện không thuộc khu vực bảo tồn kiến trúc Đà Lạt.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, khoản tiền phải có để xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh là không nhỏ: 500 tỉ đồng. Và, kinh phí cho việc xây dựng này trông chờ chủ yếu vào việc bán và cho thuê biệt thự.

Ngay từ năm 2004, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đề án "Sử dụng hợp lý quỹ biệt thự Đà Lạt". Đến tháng 1.2007, chính quyền tỉnh đã ra quyết định thu hồi gần 80 ngôi biệt thự cổ mà trước đó được dùng chủ yếu cho mục đích nhà ở.

Trong một cuộc khảo sát hồi năm 2007 - trước khi tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã thông tin rộng rãi rằng 80 ngôi biệt thự nói trên hiện đang được khoảng 500 hộ cá nhân sử dụng làm nhà ở. Bởi được sử dụng cho mục đích làm nhà ở, nên công năng của những biệt thự cổ này của Đà Lạt đã bị biến đổi theo chiều hướng không tích cực.

Thực hiện quyết định trên của UBND tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 13.1.2010, theo số liệu báo cáo của UBND TP.Đà Lạt, đã có 83 ngôi biệt thự được lập hồ sơ thu hồi, với tổng diện tích sàn là 18.239m2, tổng diện tích đất 120.330m2 và tổng số hộ phải trả lại nhà là 554 hộ.

Đó là nói về lý thuyết, còn trong thực tế thì cho đến lúc này - sau 3 năm kể từ khi UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi, UBND TP.Đà Lạt chỉ mới thu hồi được 10/83 biệt thự với tổng kinh phí đền bù và hỗ trợ hơn 3,1 tỉ đồng, giải quyết tái định cư cho 62/554 hộ đến nơi ở mới tại 35 căn hộ chung cư và 27 lô đất trong khu quy hoạch.

Lãnh đạo UBND TP.Đà Lạt cho biết: Nguyên nhân chính của việc thực hiện thu hồi biệt thự chậm là do quỹ nhà và đất của Đà Lạt có khó khăn; bên cạnh đó là không ít hộ sống trong các biệt thự tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng. Đồng thời, một số đơn vị đã đăng ký thuê biệt thự lại không thực sự tích cực cùng với cơ quan chức năng tiến hành đền bù, giải toả, thu hồi.

Trước sự "giải trình" này của TP.Đà Lạt, xin nêu ra đây một số liệu: Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn TP.Đà Lạt đã có 122 căn hộ chung cư được mọc lên, nhưng số hộ sống trong biệt thự phải thu hồi được bố trí nơi ở mới chỉ là con số quá thấp: 62 hộ. Điều này đồng nghĩa với việc quỹ nhà ở được tạo mới trên địa bàn Đà Lạt đối với dạng căn hộ chung cư không chỉ dành riêng cho các hộ giải toả từ các biệt thự cổ, mà còn dành để giải quyết cho nhiều dự án, công trình khác nữa.

Và tiếp đến, vấn đề khác khiến cho chính quyền TP.Đà Lạt phải đau đầu nữa là trong thực tế, dường như nhu cầu thuê biệt thự của các "ông chủ" đã đăng ký không thực sự bức thiết, nên tiến độ trong thu hồi và cho thuê biệt thự không được đẩy nhanh như kế hoạch.

Vậy, 500 tỉ đồng để xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng có thể chỉ trông chờ vào quỹ biệt thự này, hay phải được điều động từ những nguồn khác? Đây quả là một sự đánh đố dành cho các nhà quản lý của tỉnh!


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động