Sự cố thấm hai đốt hầm thủ thiêm: Có đáng ngại?

Cập nhật 29/04/2010 11:40

Hội đồng nghiệm thu nhà nước vừa có văn bản thông báo các sự cố lún và thấm tại dự án đại lộ Đông - Tây, trong đó có hầm Thủ Thiêm. Các đơn vị liên quan nhận định về sự cố này như thế nào?


Bên trong đốt hầm dìm thứ nhất - h: T.T.D.

Chiều 28-4, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - phó chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) - cho biết đã có văn bản gửi UBND TP.HCM thông báo một số tồn tại cần khắc phục ở dự án đại lộ Đông - Tây, trong đó có công trình hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm).

Thấm cục bộ

HĐNTNN nhận định việc kết nối giữa hầm dẫn phía Thủ Thiêm với đốt hầm dìm số 1 và đốt hầm dìm số 2 đảm bảo. Tại các mối nối cao su giữa các đốt hầm không bị thấm và không phát hiện bất thường. Tuy nhiên bằng mắt thường đã phát hiện một số vị trí bị thấm cục bộ tại đầu đốt hầm số 1, đầu hầm số 2 thuộc phạm vi bản nắp hầm, gần sát vành thép của mỗi đốt hầm.

Về vấn đề xử lý lún hầm dẫn hở chữ U phía Thủ Thiêm, HĐNTNN nhận thấy việc gia tải đoạn đã thi công có tác dụng nhưng đến nay độ lún chưa ổn định. Đối với đường phía quận 2, nhà thầu tiến hành quan trắc lún và có báo cáo là toàn bộ tuyến đường đã thi công đang tiếp tục lún quá mức dự kiến, cao độ hiện tại thấp hơn cao độ thiết kế từ 7-15cm.

Khu vực lún nhất hiện nay ở gần đầu vào trạm thu phí phía Thủ Thiêm. HĐNTNN nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu lập báo cáo phân tích hiệu quả thực tế của bấc thấm ngang nhưng cho đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.

HĐNTNN cũng cho rằng đối với các nhánh cầu trong nút giao Cát Lái đều là cầu cong nhưng hệ thống lan can bố trí theo đường gãy khúc chứ không được uốn cong một cách tương ứng với độ cong của kết cấu nhịp cầu. Bởi vậy, hệ thống lan can này vừa không đạt yêu cầu kiến trúc, vừa không đảm bảo an toàn khi xe va quẹt vào.

Chủ đầu tư và các nhà thầu cần có các biện pháp xử lý kịp thời để lan can có độ cong phù hợp với độ cong của từng nhánh cầu cụ thể.

Theo kiến nghị của HĐNTNN, chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế - giám sát thi công, nhà thầu thi công xây dựng cần tập trung giải quyết khắc phục hiện tượng thấm cục bộ các đốt hầm đã dìm.

Tuy nhiên không sơn phủ vết thấm mà tiếp tục theo dõi sự phát triển của hiện tượng thấm, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp xử lý triệt để. Đồng thời cần kiểm tra toàn diện bản nắp hầm hai đốt hầm số 3 và số 4 ngay tại bãi đúc Nhơn Trạch để phát hiện các chỗ thấm (nếu mới xuất hiện) và phải xử lý trước khi lai dắt.

Với các vết nứt trước đây đã được sửa vẫn cần tiếp tục theo dõi, quan trắc. Nếu phát hiện vấn đề bất thường về nứt, thấm thì cần xử lý sớm trước khi đổ bêtông lớp lót mặt đường lên bên trên bề mặt kết cấu bản đáy hầm.

Về giải pháp xử lý lún cho đoạn hầm hở chữ U phía quận 2, HĐNTNN nhất trí với phương án dùng hệ móng cọc khoan nhồi trên đoạn hầm hở chưa làm bản đáy.

Đánh giá hiệu quả áp dụng bấc thấm ngang trên các tuyến đường phía quận 2, HĐNTNN cho rằng nhà thầu Oricon có ý định không thi công đến cao độ thiết kế do lún có thể sẽ phát triển nhiều hơn, chỉ thi công đến cao độ bảo đảm cao hơn mốc +2,163m theo phê duyệt của UBND TP.HCM.

Việc này làm thay đổi thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt. Vì vậy, nếu chủ đầu tư chấp thuận thì cần làm thủ tục điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế theo quy định.

HĐNTNN cũng khuyến cáo UBND TP.HCM cần có chế tài trách nhiệm của nhà thầu có liên quan trong trường hợp cần khắc phục (bù lún) khi mặt đường bị lún xuống dưới mốc +2,163m. Nếu chủ đầu tư không chấp thuận điều chỉnh thiết kế thì nhà thầu phải thực hiện theo thiết kế đã được phê duyệt và có trách nhiệm khắc phục lún ít nhất là thời gian bảo hành công trình.


Đường nối hầm Thủ Thiêm phía Q.2 với vị trí lún nhiều nhất là khu vực gần trạm thu phí - Ảnh: T.T.D.

Chuyện bình thường

Ông Nguyễn Văn Liên cho rằng hiện tượng thấm cục bộ và lún ở đường dẫn là bình thường, nằm trong phạm vi cho phép nhưng HĐNTNN nhắc nhở để chủ đầu tư và nhà thầu theo dõi, xử lý. Về nguyên nhân thấm cục bộ ở 2 đốt hầm Thủ Thiêm có thể lúc bơm cát dìm hầm, ống cát cọ vào gây nên, không đáng ngại.

“Nếu gia tải nền đường mà xuất hiện lún thì đương nhiên. Gia tải mà không thấy lún mới đáng ngại. Nhưng chúng tôi yêu cầu phải lún hết mới được dỡ tải thi công tiếp. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn. Công trình đưa vào sử dụng phải hoàn thiện và đi lại an toàn” - ông Liên nói.

Cũng theo ông Liên, nguyên nhân của tình trạng lún một phần do đất yếu nên chờ tắt lún cũng lâu.

Về kiến nghị chủ đầu tư cần có chế tài với nhà thầu khi mặt đường đưa vào khai thác sử dụng mà vẫn lún, ông Liên giải thích: “Chúng tôi đề nghị như vậy để chủ đầu tư có cái ràng buộc với nhà thầu. Chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm để chủ đầu tư quyết liệt, không nhân nhượng, nhằm đảm bảo chất lượng tốt cho công trình”.

Ông Liên còn cho rằng nhiều con đường ở Nam bộ như đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng đang bị bệnh lún không đều do nền đất yếu. Chủ đầu tư không nên sợ tốn kém mà phải điều tra, khảo sát kỹ và có giải pháp thi công đảm bảo.

Sẽ khắc phục bảo đảm chất lượng

Liên quan đến sự cố thấm đốt hầm Thủ Thiêm và đường vào hầm Thủ Thiêm phía quận 2, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM (gọi tắt là Ban quản lý dự án) - nói:

Dự án đại lộ Đông - Tây là một công trình cấp nhà nước nên Ban quản lý dự án và UBND TP.HCM đã chủ động và liên tục báo cáo với HĐNTNN các vấn đề về kỹ thuật để được cơ quan này hướng dẫn các biện pháp xử lý. Khi HĐNTNN có chỉ đạo và đề ra các biện pháp xử lý thì chúng tôi chấp hành thực hiện nghiêm túc.

Hiện công trình đang trong quá trình thi công nên những vấn đề về kỹ thuật như hầm bị thấm nước và đường phía Q.2 bị lún sẽ được sửa chữa theo đúng yêu cầu của HĐNTNN.

Riêng phần lan can cầu ở nút giao thông Cát Lái (Q.2) chưa đạt yêu cầu về kiến trúc và không bảo đảm an toàn đã được sửa chữa đúng với thiết kế.

* Ai sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa các sự cố ở công trình?


Hiện nhà thầu đang thi công công trình và Ban quản lý dự án chưa nghiệm thu các hạng mục này. Do đó, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm thực hiện sửa chữa và đến khi nghiệm thu công trình phải bảo đảm chất lượng công trình đúng với thiết kế.

* Liệu các đốt hầm Thủ Thiêm bị thấm nước có ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng công trình?


Tôi được biết có một công trình hầm ở Úc cũng bị thấm nước như ở đốt hầm Thủ Thiêm đã được sửa chữa và đưa vào sử dụng. Có thể nói đốt hầm Thủ Thiêm bị thấm nước cũng như đường bị lún ở Q.2 đang nằm trong giới hạn cho phép của thiết kế.

Dĩ nhiên, không ai nghiệm thu một công trình mà không bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật. Sau khi giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, được HĐNTNN kiểm tra đánh giá và chấp thuận đạt yêu cầu về kỹ thuật lúc đó mới nghiệm thu công trình này.

Chúng tôi có thể khẳng định công trình xây dựng hầm Thủ Thiêm được xây dựng bảo đảm chất lượng tốt, đúng với thiết kế.

* Thưa ông, những vấn đề trục trặc về kỹ thuật liệu có gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình?


Tôi cho rằng đây là những vấn đề kỹ thuật bình thường nên HĐNTNN vẫn cho công trình được tiếp tục thi công và tiến độ lai dắt đốt hầm số 3 thực hiện vào đầu tháng 5, lai dắt đốt hầm số 4 vẫn thực hiện vào đầu tháng 6-2010, sau đó tiếp tục thi công hợp long hầm Thủ Thiêm. Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn rất quyết tâm hoàn thành công trình này theo kế hoạch.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ