Sự cố nứt các đốt hầm Thủ Thiêm: Mời tư vấn độc lập đánh giá sự cố

Cập nhật 24/08/2008 01:45

Ngày 23-8, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang nhằm tìm ra hướng giải quyết hiện tượng nứt của các đốt hầm Thủ Thiêm thuộc dự án Đại lộ Đông-Tây mà dư luận đang đặc biệt quan tâm.

Báo cáo tại cuộc họp, Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây, đại diện UBND TPHCM làm chủ đầu tư công trình cho biết những vết nứt trên hầm Thủ Thiêm đã xuất hiện từ đầu năm 2008, trong đó có nhiều vết nứt đã ngưng nhưng cũng có nhiều vết có xu hướng lan rộng.

Về nguyên nhân, các tư vấn và nhà thầu cũng như chủ đầu tư đã có những lý giải khá giống nhau. Đó là kết quả “ngót” tự nhiên của bê tông; sự thay đổi nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm trong quá trình đúc hầm; tay nghề của công nhân còn hạn chế; chất lượng của vật liệu xây dựng có vấn đề; nền móng đúc hầm bị lún… Tuy nhiên, tất cả những yếu tố trên mới được đánh giá ở mức “nghi vấn”.

Đâu là nguyên nhân chính vẫn chưa ai dám khẳng định. Về hướng xử lý, nhà thầu và đơn vị tư vấn đề xuất một số giải pháp xử lý: bơm hóa chất vào vết nứt; căng cáp để ổn định lại bê tông… Riêng chủ đầu tư thì đề xuất mời thêm một tư vấn độc lập nước ngoài vào đánh giá tình trạng nứt, đề xuất hướng xử lý và công trình chỉ được đưa vào sử dụng khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng chứng nhận đạt chất lượng.

Có mặt tại cuộc họp, đại diện Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cho rằng cần phải làm rõ thêm tình trạng các vết nứt về mật độ, chiều dài, độ sâu… đồng thời phải xác định tình trạng đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tuổi thọ của công trình, trước khi có quyết định sửa chữa hoặc phải đúc lại các đốt hầm.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng nhấn mạnh, chủ đầu tư có nghiệm thu công trình thì Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng mới xem xét nghiệm thu, dĩ nhiên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước có thể thống nhất hoặc không thống nhất với kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Đại diện Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng cho rằng, nếu không cảm thấy yên tâm thì có thể mời thêm một tư vấn độc lập để xem xét, đánh giá vấn đề.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định, chất lượng công trình là vấn đề phải được ưu tiên hàng đầu, do vậy sẽ thuê tư vấn độc lập để đánh giá lại sự cố này và tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ đạo Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây vẫn phải đảm bảo tiến độ xây dựng chung.

Đối với Tổ kiểm tra chất lượng và tiến độ thi công hầm Thủ Thiêm vừa mới được UBNDTP thành lập, đồng chí yêu cầu phải theo dõi sát sao quá trình thi công và đảm bảo các đốt hầm phải đạt chất lượng. Về kinh phí sửa chữa, khắc phục sự cố, đồng chí Lê Hoàng Quân khẳng định: Đơn vị nào có lỗi trong việc này sẽ phải chịu toàn bộ.

Chỉ huy trưởng công trường thi công đốt hầm Thủ Thiêm Imazato: Không quá 10 vết nứt nguy hiểm/đốt hầm

Sau buổi làm việc với UBND TPHCM, đoàn cán bộ của Bộ Xây dựng đã đi khảo sát các vết nứt trên 4 đốt hầm Thủ Thiêm tại công trường đúc ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Quan sát bằng mắt thường cho thấy, các vết nứt khá nhỏ, chạy ngoằn ngoèo khắp các các đốt hầm. Tư vấn giám sát và các nhà thầu đã dùng bút mực tô đậm chúng lên để tiện quan trắc.

Nói về những vết nứt này, ông Imazato, Chỉ huy trưởng công trường thi công đốt hầm Thủ Thiêm cho biết: Có nhiều vết nứt trên 4 đốt hầm nhưng chỉ có những vết nứt xuyên qua kết cấu công trình thì mới nguy hiểm.

*Cụ thể là có bao nhiêu vết nứt nguy hiểm trên 4 đốt hầm này, thưa ông?

Ông Imazato: Không quá 10 vết nứt nguy hiểm trên một đốt hầm.

*Các ông có tiên liệu được tình trạng này?

Chúng tôi tiên liệu được.

*Các ông định giải quyết vấn đề này ra sao?

Chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp: bơm hóa chất vào vết nứt, căng cáp làm ổn định bê tông…


Theo Sài Gòn Giải Phóng