Chưa năm nào, nhà trọ cho sinh viên thuê tại TPHCM khó tìm như hiện nay. Nhà trọ ở các quận quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận coi như “đã có chủ”. Nhà trọ ở các quận xa trung tâm thành phố như Gò Vấp, Thủ Đức… như “nhà tạm”. Đã vậy, nhà trọ còn đua nhau tăng giá.
Đỏ mắt tìm nhà
Được giới sinh viên mách nước, tôi tìm đến nhà “cò” Phượng ở đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), một tay cò chuyên môi giới đất và nhà trọ. Tôi bảo cần một ngôi nhà cho 4 người, giá 1,2 triệu đồng trở xuống. “Cò” này liền xin số điện thoại của tôi và hứa chắc… sẽ gọi nếu có nhà.
Suốt cả tuần đợi điện thoại, sốt ruột, tôi tìm đến gặp “cò”. Chị ta than: “Trời ơi, chị cũng muốn tìm nhà cho em lắm chứ nhưng mà đầu năm học mới sắp đến, sinh viên vào nhiều quá nên hết nhà rồi!”. Nói đoạn, chị ta dẫn tôi đến “động”, đó là một quán cà phê nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, nơi tập trung những tay “cò” đất, “cò” nhà. Tại đây, chị ta chuyển yêu cầu của tôi sang một tay “cò” khác. Anh này liền dẫn tôi đi thuê nhà trong con hẻm Trần Kế Xương, nhưng ông chủ nhà bảo hết phòng, cho dù tôi ra giá 1,5 triệu đồng/tháng.
Đảo qua một hồi, có căn nhà đang xây dựng chỉ dành riêng cho sinh viên thuê trọ đang hoàn thành, mỗi phòng bé tí teo bà chủ mập ú cũng đòi 1,7 triệu đồng trở lên làm tôi chới với. Tôi giả vờ thất vọng ra về nhưng không quên nói với anh “cò”: “Để em về suy nghĩ kỹ, nếu thuê được, em không quên thù lao cho anh đâu, anh vô tư đi nhé!”.
Hôm sau, tôi được tay cò khác tên D. ở khu Phan Xích Long (cũng quận Bình Thạnh) dẫn đi giới thiệu cho một phòng trong một căn hộ 4 lầu. Lần này giá phòng chỉ 1,2 triệu đồng nhưng phải ở với chủ, leo lên không biết bao nhiêu nấc thang mới tới được phòng và xe thì gửi bên ngoài bởi vì ông bà chủ ngủ bên dưới. “Mất tự do quá”, tôi tiếp tục không chịu với “cò” D. Không ngờ, “cò” này quyết tâm moi của tôi 200.000đ cho bằng được với lý do “công giới thiệu”.
Những ngày sau, tôi dạo lên Gò Vấp vì nơi này nổi tiếng là nhà trọ giá rẻ. Khi thì theo “cò” E., lúc lại “cò” V. nhưng cũng chỉ tìm được những căn nhà như những lò bánh mì, chưa tới 15m², mới vào đã thấy nóng hừng hực ở trên đường Dương Quảng Hàm, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Oanh, Nguyễn Văn Lượng… Vậy mà giá từ 700.000 - 900.000đ/phòng/tháng. Tìm nhà trọ quá khổ, tôi nghĩ vậy!
Đua nhau tăng giá
Trước tình trạng nhà trọ đang thiếu, nhiều chủ nhà trọ lập tức tăng giá khiến nhiều sinh viên lao đao. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nhóm SV của Học viện Hành chính quốc gia là Trung, Thành, Đức lâu nay vẫn ở, thế nhưng tiền nhà đã tăng vèo từ 600.000đ lên 800.000đ/tháng, chưa kể 2.700đ mỗi ký điện và 15.000đ tiền nước cho mỗi thành viên trong nhóm.
Nhi, SV Cao đẳng Kinh tế đã nhất quyết dọn chỗ ở, chuyển đến đường Lê Văn Sỹ (quận 3) ở chung với bạn cho tiết kiệm. Nhi than thở: “Cái nhà tui ở đã khổ sở lại còn tăng giá nên tụi trong phòng chỉ biết chia năm, bảy đường đi tìm thuê nhà nơi nào rẻ hơn thôi!”.
Thời điểm này năm trước, để tìm một nhà trọ cho 3-4 sinh viên gói gọn trên dưới 1 triệu đồng, nếu thuê nguyên căn cũng chỉ 2 triệu. Thế nhưng, số tiền ấy hiện nay không thể có nhà. Hiện tại, để có một nhà trọ như ý, có nhà vệ sinh riêng, có chỗ để xe máy là ước mơ xa xỉ của nhiều sinh viên tỉnh lẻ.
Bà Thu, một người chuyên kinh doanh nhà cho sinh viên thuê trọ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) giãi bày: “Không phải chúng tôi tăng giá nhà để các cháu sinh viên thêm khổ, nhưng bây giờ cái gì cũng leo thang, các phòng trọ khác cũng đồng loạt tăng giá, mình không tăng không được!”. Đây liệu là lý do thuyết phục?!
Tại ký túc xá (KTX) Thủ Đức, hiện có 6 khu nhà do các tỉnh hay TPHCM xây dựng để đáp ứng yêu cầu về chỗ trọ cho sinh viên một số tỉnh. Tại trung tâm TPHCM, nhiều KTX của ĐH Sư phạm, Kinh tế, Học viện Hành chính quốc gia… cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu về chỗ ở của SV. Tuy nhiên, KTX thì đóng cửa lúc 22g nên nhiều SV đành ra ngoài tìm nhà. Thứ nữa, là SV các trường ĐH dân lập như Văn Hiến, Hồng Bàng, Hùng Vương… chưa xây dựng được KTX nên đành phải thuê nhà trọ bên ngoài.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ