Sau cơn sốt nhà đất những tháng đầu năm 2007, mặt bằng giá đất tại một số điểm nóng (HN, TPHCM) đã tăng cao (TPHCM tăng bình quân 50%). Những tưởng đã vượt quá sức chịu đựng của thị trường, nhưng đến đầu tháng 9.2007 mặt bằng giá đất tại khu vực này lại được nâng lên thêm một nấc mới.
Ngoại trừ những nguyên nhân gây sốt nhà đất cục bộ (cung - cầu, đầu cơ...), còn có nguyên nhân quan trọng khác được các chuyên gia nói đến là tỉ lệ nguồn cung các dự án nhà đất phục vụ cho nhu cầu sử dụng đang quá lệch lạc.
Cảnh báo những bất hợp lý
Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà đưa ra một nhận định khá thuyết phục: Bỏ qua nguyên nhân sốt đất cục bộ chỉ xảy ra khi có yếu tố tác động đến cung - cầu nhà đất, thì nguyên nhân sâu xa của tình trạng sốt đất phải kể đến là tỉ lệ nguồn cung các dự án nhà đất phục vụ cho nhu cầu sử dụng đang quá lệch lạc.
Hiện nay, dù có chủ trương phân cấp cho UBND các địa phương duyệt các dự án xây dựng khu đô thị (KĐT), nhà ở cho các đối tượng sử dụng, nhưng có một thực tế là địa phương nào cũng muốn chỉnh trang bộ mặt bằng các dự án chung cư, biệt thự cao cấp, trong khi nhu cầu cho các dự án nhà cao cấp chỉ chiếm khoảng 10% nhu cầu nhà ở, vì vậy người có thu nhập trung bình không thể với tới. Do vậy, nguồn cung đã thiếu lại càng thiếu.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều địa phương, lãnh đạo tỉnh còn chủ trương đấu thầu giao đất cho các dự án KĐT, nhà ở, căn hộ chung cư nhằm tăng thu cho ngân sách địa phương, khiến giá đất bị đội lên. Mặt khác, đất dự kiến quy hoạch để giao cho đơn vị thực hiện dự án lại vướng khâu GPMB, theo quy định không tổ chức đấu thầu nhưng nhiều địa phương vẫn làm, vừa mất nhiều thời gian, vừa tăng chi phí.
Trong khi các dự án đầu tư KĐT cao cấp chưa có chế tài khống chế tỉ lệ lãi của nhà đầu tư (NĐT), một căn hộ cao cấp bán ra thị trường lãi vài trăm phần trăm so với giá thành xây dựng, đương nhiên các DN không mặn mà gì khi đầu tư các khu nhà ở xã hội cho người thu nhập trung bình và thấp. Đó là chưa kể tình trạng tranh mua các căn hộ cao cấp đã góp phần đẩy giá lên.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế năm 2007 phát triển không cao hơn năm 2006, trong khi lạm phát đang có dấu hiệu cao hơn năm 2006 thì giá đất gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua là một điều bất thường.Ngọc Huân
TS Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, người nhiều năm trăn trở với thị trường BĐS cho biết: Hiện nay không hề có sự cạnh tranh giữa người bán (các DN đầu tư KĐT) với nhau mà chỉ có cạnh tranh giữa người mua do cầu vượt cung, vì vậy thị trường đang thuộc về người bán.
Trong khi chính sách về nhà ở xã hội chưa đi đôi với chính sách tài chính DN, mặc dù có những dự án cho vay ưu đãi, nhưng "túi nọ, ra túi kia" khiến DN thua thiệt; chưa có cơ chế cho một số đối tượng đầu tư như quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia các dự án phát triển nhà ở, vì vậy đây vẫn là khoảng trống.
Buông lỏng quản lý
Theo ông Hà, những bất cập về chính sách nêu trên là do các địa phương đã quá buông lỏng quản lý quy hoạch và dễ dãi trong việc cấp phép các dự án đầu tư các KĐT. Để siết lại vấn đề này, bản thân các địa phương trước hết phải xem xét lại tỉ lệ cấp phép cho các dự án xây dựng đô thị đã hợp lý chưa.
Ngay cả khi cấp phép cho các dự án kinh doanh KĐT cao cấp thì địa phương hoàn toàn vẫn có thể kiểm soát chi phí, giá thành xây dựng để khống chế NĐT với một tỉ lệ lãi hợp lý, thông thường khoảng 15-20%/dự án, chứ không thể lãi quá mức như hiện nay.
Đồng thời với việc này, các dự án đều có cơ chế kiểm soát chặt chẽ người mua (phải sử dụng đúng mục đích, sau thời hạn bao nhiêu năm mới được bán...) để tránh đầu cơ nhà ở xã hội...
Tuy nhiên, ông Hà cũng thừa nhận một thực tế là có quá nhiều tiêu cực trong vấn đề nhà đất, giá nhà đất tăng cao và lợi nhuận "nhìn thấy" lên đến hàng trăm triệu đồng, đã khiến không ít người tìm cách xoay xở.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế năm 2007 phát triển không cao hơn năm 2006, trong khi lạm phát đang có dấu hiệu cao hơn năm 2006 thì giá đất gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua là một điều bất thường.Ngọc Huân