Những người tìm mua đất chủ yếu là giới đầu cơ từ Hà Nội lên.
Theo đồ án Quy hoạch Hà Nội mở rộng, trục Thăng Long dài gần 30 km, bắt đầu từ Hồ Tây qua đường Hoàng Quốc Việt, chạy thẳng qua các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì và kết thúc tại đường 21.
Hàng loạt dự án vây quanh
Nhìn trên bản đồ, trục đường Thăng Long có thể đi qua 14 dự án đã có từ trước khi mở rộng Hà Nội với tổng diện tích trên 4.000 ha. Trong đó có tám dự án khu đô thị, ba dự án khu công nghiệp, hai dự án khu du lịch sinh thái, một dự án trung tâm dạy nghề. Các dự án này một số đang được thực hiện, một số phải tạm dừng chờ rà soát.
Trên bản đồ, trục Thăng Long chạy qua năm huyện của Hà Nội và 14 dự án. |
Trong số 14 dự án, chiếm diện tích đất nhiều nhất là dự án khu đô thị Thạch Thất (2.115 ha, tại huyện Thạch Thất), kế đến là các dự án khu đô thị Sơn Đồng (420 ha, Hoài Đức), khu đô thị Bình Yên (211 ha, Thạch Thất), khu du lịch Tuần Châu (gần 200 ha, Quốc Oai), khu đô thị Điện lực dầu khí (196 ha, Thạch Thất), khu du lịch sinh thái Cổ Đông (180 ha, Ba Vì), khu đô thị Kim Chung-Di Trạch (177 ha, Hoài Đức), khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (154 ha, Thạch Thất-Quốc Oai), khu đô thị Vincon (150 ha, Hoài Đức). Dự án có diện tích nhỏ nhất là Trung tâm Dạy nghề Viễn Tín (15 ha, Thạch Thất).
Đặc biệt, tại một số nơi các dự án khu đô thị nằm chi chít ở một chỗ. Cụ thể, ở huyện Hoài Đức, các khu đô thị Vân Canh, Kim Trung-Di Trạch, Sơn Đồng, Tây Đô, Vincon nằm rất gần nhau.
Nhộn nhịp người mua, kẻ bán
Từ khi đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng được trưng bày công khai (cuối tháng 4, đầu tháng 5-2010), giá đất dự án quanh trục đường Thăng Long đã tăng đột biến từ 20% đến 30%. Cụ thể, đất ở dự án khu đô thị Kim Trung - Di Trạch (Hoài Đức), cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km đã nhảy vọt từ 20 triệu đồng/m2 lên trên 30 triệu đồng/m2. “Giá đất ở đây có nhiều loại, vị trí càng đẹp giá càng cao nhưng tất cả đều đồng loạt tăng giá” - ông Phạm Văn Việt, Trung tâm Giao dịch Đất Việt (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), cho biết.
Tương tự, đất ở dự án khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức) hiện có giá gần 40 triệu đồng/m2 trong khi cách nay hai tháng chỉ 30 triệu đồng/m2. “Việc mua bán đất ở một số dự án khu đô thị, nơi dự đoán có trục Thăng Long đi qua diễn ra rất sôi động từ tháng 5. Mấy ngày gần đây, tuy số người hỏi mua hơi chững lại nhưng giá vẫn không hề giảm” - ông Phạm Văn Dũng, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, cho biết.
Không chỉ riêng giá đất dự án, giá đất ở, đất ruộng quanh trục đường này cũng được dịp nhảy múa. Theo lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất, hiện giá đất ở các xã trên trục này đều tăng mạnh, nhiều nơi tăng đến 4-5 lần. Đất ở vị trí đẹp trước chỉ 5 triệu đồng/m2 giờ vọt lên tới 30 triệu đồng/m2, đất ở sâu trong làng cũng có giá 5-6 triệu đồng/m2. Tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất hiện có khá nhiều người dân chuyển nhượng đất nông nghiệp bằng giấy tay với giá phổ biến 100 triệu đồng/sào (360 m2).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người tìm mua đất quanh trục Thăng Long chủ yếu là giới đầu cơ từ Hà Nội lên. Cò đất tên Hải ở xã Chàng Sơn cho biết đã tìm được mấy mảnh đất cho một người ở quận Đống Đa. “Chú này mang sẵn tiền trong cốp xe, xem đất ưng là mua ngay” - Hải hào hứng. Ông Đào Xuân Ban, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất, cũng nhận xét: “Phần lớn những giao dịch đất đai đều thuộc về những người đầu cơ, rất ít trường hợp mua để ở”.
Thị trường BĐS thiếu ổn định sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế
Biến động về việc tăng giá nhà đất và lượng giao dịch ở TP Hà Nội không đều giữa các khu vực. Tuy nhiên, chủ yếu là việc mua đi bán lại giữa những người đầu cơ với nhau, có những mảnh đất trong một thời gian ngắn đã được giao dịch nhiều lần. Xuất hiện tình trạng làm giá, tung tin đồn, giao dịch ảo để đẩy giá bất động sản lên cao. Các giao dịch ở đây chủ yếu là đầu cơ, kiếm lời chứ không phải người mua có nhu cầu để ở.
Thị trường bất động sản thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP