'Sốt' giá ảo nhưng không có khả năng gây ra ‘bong bóng’ bất động sản trong năm 2018

Cập nhật 27/05/2018 09:31

Đây là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh khi dự báo thị trường năm 2018.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, khó có thể xảy ra “bóng bóng” bất động sản (BĐS) do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước. Thêm nữa, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường và do các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.

Nói cách khác, qua trải nghiệm các đợt khủng hoảng của thị trường BĐS trong thời qua, các cơ quan chủ thể, doanh nghiệp, người đầu tư, người tiêu dùng đều thông minh khi cấp phép, đầu tư dự án, mua nhà.

"Thủ phạm" của việc sốt ảo đất nền, tăng giá ảo BĐS chính là các đầu nậu, môi giới nhà đất. Tuy nhiên, đây không phải là cơ sở để xảy ra "bong bóng" BĐS.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã xuất hiện các cơn sốt ảo giá nhà, giá đất nền tại các xã ven dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai); các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang); hoặc tại một số quận ven, huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh, khiến nhiều người lo ngại.

Theo HoREA, đây chỉ là những đợt sốt giá cục bộ trong phân khúc thị trường đất nền, đất nông nghiệp, thậm chí có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, mà phần lớn là mua bán, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư thứ cấp, kinh doanh lướt sóng kiếm lời.

"Thủ phạm" chính là giới đầu nậu và cò đất với thủ đoạn đầu cơ, thổi giá, tạo sóng gây ra các đợt sốt ảo giá đất, giá đất nền tại một số địa phương”, ông Châu nhấn mạnh. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, tình hình sốt ảo giá đất, giá đất nền hiện nay tại các địa phương đã bước đầu được kiểm soát, hạ nhiệt.

Riêng, đối với thị trường căn hộ chung cư là phân khúc thị trường lớn nhất của thị trường bất động sản đã không xảy ra hiện tượng sốt giá, thậm chí nhiều chủ đầu tư đã giảm giá bán căn hộ chung cư, nhất là các dự án căn hộ vừa túi tiền.

Vấn đề đáng quan ngại là tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2017 tăng gần 15% so với năm 2016 và chiếm 18% trong tổng tín dụng, trong đó có 52,9% tổng tín dụng tiêu dùng cho vay với mục đích mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà ở (tăng 3,4% so với năm 2016), mà một phần không nhỏ có thể đã chuyển qua kinh doanh BĐS, cần phải được kiểm soát chặt chẽ trong năm 2018.

Mặt khác, trên thị trường BĐS hiện nay có 2 nhân tố cần được tiếp tục quan tâm để quản lý, kiểm soát, đó là vẫn còn có tình trạng lệch pha cung - cầu trong phân khúc bất động sản cao cấp, phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng (condotel) và đang "sốt giá ảo" đất nền, đất nông nghiệp tại một số khu vực.

Đồng thời, cũng đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong đó có cả giới đầu cơ, đầu nậu, cò đất chuyên nghiệp làm giá, thổi giá, tạo sóng, lướt sóng, đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi.

Tuy nhiên, hai yếu tố nêu trên chỉ phản ánh một phần thị trường bất động sản, và chủ yếu xảy ra ở phân khúc đất nền, đất nông nghiệp và condotel, chỉ có thể tạo ra các cơn sốt giá ảo, cục bộ, nhất thời chứ không thể gây ra "bong bóng" trên toàn bộ thị trường BĐS.

Dù vậy, cơn sốt giá ảo này cũng gây tác hại cho thị trường BĐS, làm lệch pha dòng tiền đầu tư, nhất là có thể gây thiệt hại rất lớn cho những nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng nhưng không bán được sản phẩm khi thị trường bị hạ nhiệt.

Theo đó, HoREA đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng".



DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin tức