“Sốt” đất do dân buôn làm giá

Cập nhật 30/05/2010 08:35

Giá đất phía Tây Hà Nội chỉ trong một tháng đã tăng 2 - 3 lần do thủ pháp kích giá của “cò” đất.

Trong hơn một tháng trở lại đây, khu vực phía Tây Hà Nội, nằm gần trục Thăng Long, trung tâm hành chính quốc gia, các khu đô thị vệ tinh (trong tương lai)... theo đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 như huyện Ba Vì, Thạch Thất... xuất hiện tình trạng giá đất bị đẩy lên quá cao một cách bất thường.

Đua nhau mua bán đất

Câu chuyện được người dân thủ đô Hà Nội nhắc đến nhiều nhất trong một tháng trở lại đây là rủ nhau đến các huyện phía Tây như Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai... mua đất. Các văn phòng môi giới nhà đất đã mọc lên như nấm suốt tuyến đường ra thị xã Sơn Tây về đến huyện Thạch Thất. Lúc này, bất cứ người lạ nào “cưỡi” xe hơi đến các xã thuộc huyện Ba Vì, Thạch Thất... lập tức được “cò” đất chạy xe máy bám theo.

Tại xã Vân Hòa (Ba Vì), đất thổ cư từ chỗ có giá chỉ 150 triệu -170 triệu đồng/sào (360 m2) nay đã nâng lên trên 200 triệu đồng/sào. Các mảnh đất diện tích từ 2.000 m2 trở lên thu hút người mua nhất. Trong vai người đi mua đất, chúng tôi đã có mặt tại xã Vân Hòa – nơi được xem là trung tâm cơn “sốt” đất.

Anh Bình (thôn Bơn, xã Vân Hòa), một “cò” đất mới vào nghề từ ngày đất “sốt” cho hay, nhiều mảnh đất có diện tích trên 1.000 m2 đã được người nơi khác đến đặt cọc mua. “Anh mà không quyết sớm và đặt cọc thì người khác sẽ xơi mất” – Bình nói. Để thuyết phục chúng tôi xì tiền đặt cọc mua đất, Bình liên tục dẫn tới hàng chục mảnh đất đã có người đặt mua.

Đất Ba Vì vẫn còn hoang sơ nhưng bị hét lên quá cao.

Để “hạ gục” khách nhanh, Bình và các chủ đất còn quảng cáo: “Cách đây hơn 2 tháng, giá đất ở đây chỉ 90 triệu - 100 triệu đồng/sào nay đã lên gấp 2-3 lần, anh bỏ tiền ra rồi bán trao tay cho người khác là lãi cả trăm triệu đồng ngay”.

Ông Vũ Đức Bảo, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thạch Thất, cho biết giao dịch đất trên địa bàn đã tăng 2-3 lần so với trước đây 2 tháng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại theo ông Bảo là khi giá bị đẩy lên, người dân đã vội vàng bán và mua sắm đồ đạc, ăn tiêu vô tội vạ.

Lo ngại hệ lụy, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các xã khuyến cáo người dân nên thực hiện các giao dịch đất đúng pháp luật và cẩn trọng. Tuy nhiên, theo ông Bảo, cơn “sốt” đất quá hấp dẫn nên người dân đã bỏ ngoài tai những khuyến cáo này.

Chưa đến lúc “ôm” đất Ba Vì, Thạch Thất

Trước sự hỗn loạn giá đất tại một số huyện phía Tây Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Có thừa tiền mới mua đất ở Thạch Thất, Ba Vì. Chẳng có “sốt” đất ở đây, nguyên nhân của việc giá đất trên trời là do người dân nghe đồn thổi rồi chạy theo phong trào”.

Theo ông Nam, việc người dân chạy đua mua bán đất theo kiểu “bầy đàn” là rất nguy hiểm và thực tế đã cho thấy nhiều hệ lụy buồn sau những cơn “sốt” đất ngắn là người dân mất đất sản xuất, tiền bán đất đã tiêu hết vào mua sắm, ăn chơi, bài bạc...

Theo ông Nam, việc giá đất bị “thổi” có thể do giới đầu cơ đã “ôm” đất từ trước đó nay nhân cơ hội Bộ Xây dựng, TP Hà Nội triển lãm đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội với những thông tin như trục Thăng Long, trung tâm hành chính quốc gia, các khu đô thị vệ tinh... Ông Nam nói: “Trung tâm hành chính quốc gia chuyển lên Ba Vì là câu chuyện của 50 năm nữa. Đó là chưa nói tới việc trong tương lai có khi còn điều chỉnh”.

Ông Nam phân tích thêm, đầu tư đất đai về vùng từ Xuân Mai tới Ba Vì, giá sẽ lên rất chậm, không thể có lợi bằng việc đầu tư các dự án hiện hữu từ vành đai 4 trở vào. Ngay sát trung tâm Hà Nội, nhiều khu vực đang rất cần đầu tư hạ tầng nhưng Nhà nước chưa đủ kinh phí. Do vậy, đầu tư ở Thạch Thất, Ba Vì phải chấp nhận là đầu tư rất dài hạn.

Giao dịch không lớn

Từ ngày 25 đến 27-5, đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội (do Sở Xây dựng đại diện) đã đi kiểm tra tình hình tăng giá đất trên địa bàn TP Hà Nội.

Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Vũ Xuân Thiện cho biết đoàn đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Mê Linh... để nắm tình hình biến động giá BĐS của các khu vực này, đặc biệt là từ đầu năm 2010 đến nay.

Ông Thiện cho hay sau khi kiểm tra, kết quả bước đầu cho thấy số lượng giao dịch đất đai ghi nhận được không lớn và mức giá cũng không quá cao như những lời đồn thổi.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động