Thông tin về quy hoạch, các dự án lớn... đều được công khai, người mua đất có trách nhiệm kiểm tra thông tin trước khi bỏ tiền ra mua.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp, một lần nữa, cơn sốt đất ảo trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện TP.HCM đã được nêu ra và chưa nhận được câu trả lời.
Để rộng đường dư luận, ngày 18/5, phóng viên Đất Việt đã trao đổi ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM để tìm hiểu thêm về thông tin trên.
Theo ông Hưng, Sở đã nhận được công văn của HoREA, tuy nhiên Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM không kiểm soát giá đất.
Ông Hưng khẳng định, thông tin về các dự án, các hướng phát triển, quy hoạch luôn được công khai, chỉ có điều người dân không kiểm tra, tham khảo thông tin trước khi mua đất.
"Sở đã công bố công khai thông tin các dự án phát triển, đầu tư lớn, cứ họp hành xong cái nào ra sao là báo chí, truyền hình biết ngay, không có gì bí mật. Tất cả đều có trên mạng, các địa phương đều có, tại người dân không chịu coi.
Quảng cáo mua bán nhà đất trên đường Nguyễn Xiển, quận 9, TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ |
Cơn sốt đất thời gian qua là do tâm lý đám đông. Lẽ ra trước khi đầu tư, người dân phải tham khảo thông tin, ý kiến của địa phương, các cơ quan chức năng, còn cứ nghe đồn thổi thì làm sao biết được", Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nhận xét.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng khẳng định, người mua có trách nhiệm kiểm tra thông tin trước khi mua, không thể cứ nghe tin đồn rồi chạy theo mua.
"Cơn sốt giá đất nền tại các quận ven và huyện ngoại thành TP.HCM xuất phát từ một số lý do:
Thứ nhất, thông tin các huyện ngoại thành lên quận. Thông tin này chưa chính thức nhưng người ta đã đổ xô đi mua đất.
Chuyện từ huyện lên quận đòi hỏi cả quá trình rà soát, đánh giá vấn đề quy hoạch, kinh tế xã hội, xây dựng, đánh giá tổng mức đầu tư..., rất nhiều quy trình, thủ tục rồi mới xác định lên quận hay không, không phải cứ muốn là được. Người dân cứ nghe tin đồn rồi mua đi thì rất nguy hiểm.
Thứ hai, các dự án lớn ở Cần Giờ và Củ Chi (như dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn, dự án thành phố mới tại huyện Củ Chi, dự án thành phố ven biển (Marina City) tại huyện Cần Giờ...) mới chỉ là ý tưởng của nhà đầu tư, để thành hiện thực còn rất nhiều quy trình.
Thứ ba, thời gian qua TP.HCM cũng triển khai nhiều dự án hạ tầng. Khi hạ tầng được đầu tư thì giá trị gia tăng của đất được tăng lên.
Đây mới chỉ là đánh giá bước đầu, từ đó phải có khảo sát, đánh sát, đưa ra biện pháp về quản lý. Còn người mua- người bán khi giao dịch bình thường trên thị trường phải chịu trách nhiệm về chuyện giao dịch đó. Đặc biệt, người mua phải chịu trách nhiệm kiểm tra thông tin trước khi quyết định mua", ông Trần Trọng Tuấn lý giải.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhấn mạnh, những thông tin về tình hình dự án, các dự án đầu tư hạ tầng, vấn đề từ huyện lên quận... tất cả đều công khai trên báo chí lâu nay, còn chuyện nhà đầu tư nghe tin đồn đi mua đất là chuyện của họ.
"Dự án ở Củ Chi, Cần Giờ báo chí cũng đăng cả. Việc lên quận chỉ là phát biểu của đồng chí nào đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào đã công bố chuyện đó? Tự nhiên chúng tôi lên đính chính sao được?
Chúng tôi là bên quản lý nhà nước nên đã nắm được rồi, nhưng UBND TP cần lên tiếng để có giải pháp tổng thể", ông Tuấn nói.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết về thị trường bất động sản sau một năm kể từ Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ nhất (29/4/2016 tại TP.HCM).
Trong công văn này, HoREA bày tỏ sự lo lắng về cơn sốt giá ảo trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện của TP.HCM như: Quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ.
HoREA cho rằng, giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp, và là bên thủ lợi nhiều nhất trong cơn sốt giá ảo đất nền hiện nay.
"Cơn sốt giá ảo đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ "bong bóng" gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường bất động sản, và để bảo vệ người tiêu dùng", HoREA lo ngại.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã có văn bản gửi một số sở và lãnh đạo TP.HCM đề nghị công bố rõ thông tin liên quan đến quy hoạch, một số dự án đầu tư lớn để người dân hiểu, tránh bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở một số khu vực.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt