Những ngày qua, thị trường căn hộ TP. HCM tiếp tục cảnh chưa từng có, người người xếp hàng đăng ký mua, chen lấn, cãi vã như mua vé tàu tết… Sự thật cơn sốt đó là gì?
Chơi chiêu “1 chọi 3,3”!
Sáng ngày 24/10 tại ngân hàng Indovina, 39 Hàm Nghi, quận 1 có cả hàng ngàn người chen lấn để mở tải khoản nộp tiền, sau đó, số tiền này sẽ chuyển vào tài khoản của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng với tên gọi là “tiền thành ý”, chuẩn bị bốc thăm mua căn hộ tại Sky Garden III. 9 giờ sáng, cửa cuốn ngân hàng kéo xuống rất thấp, rất nhiều người ngồi ở sát thềm cửa, chờ gọi tên rồi xuống chui vào bên trong để đóng tiền. Nhưng rồi cũng thật nhanh, cánh cửa cuốn kéo kín lại, chấm dứt niềm hy vọng của hàng ngàn người bên ngoài. “Không phải bây giờ mà ngay từ hôm qua, rồi từ 3 giờ sáng nay đã rất đông người kéo đến, chen nhau tràn ra đường”, một anh xe ôm đứng ở đường Hàm Nghi kể lại.
Buổi sáng cùng ngày tại chi nhánh ngân hàng Indovina nằm trong trụ sở Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn cũng diễn ra cảnh tương tự. Lúc 8 giờ, khi đoàn người rồng rắn chen nhau, một lãnh đạo công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng dùng loa thông báo: “Do nhân viên thông báo lộn, khách hàng có thể chuyển tiền từ bất cứ ngân hàng nào vào tài khoản của công ty”. Tuy nhiên, đến 11 giờ đám đông vẫn tụ tập vì chưa lấy được giấy chứng minh nhân dân khi nộp làm thủ tục chuyển tiền, các nhân viên phải dùng loa gọi tên từng người để trả lại.
Chúng tôi đã nhận rất nhiều lời phàn nàn của người xếp hàng, họ cho đây là cách “chơi chiêu” của chủ đầu tư. Trở lại dự án Sky Garden III. Đầu tiên mỗi khách hàng phải mở tải khoản và chuyển 200 triệu đồng vào Indovina, sau sáng ngày 24/10 Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng mới công bố số tài khoản của công ty, khách hàng sẽ tiếp tục chuyển số tiền này vào công ty với tên gọi là “tiền thành ý”. Số lượng căn hộ tung ra chỉ có 300 căn hộ nhưng số lượng người sẽ được chọn bốc thăm mua hàng là 1000 người, việc tổ chức bốc thăm vào ngày 4/11 tại Dinh Thống Nhất. Sau khi trúng thăm, “tiền thành ý” sẽ chuyển vào đợt nộp tiền đầu tiên. Những người không trúng thăm, bắt đầu từ số 1.001 trở đi sẽ được bảo lưu cho đợt bốc thăm lần 2 – một nhân viên công ty cho biết “dự kiến hai tuần sau đó” – nếu không sẽ nhận lại tiền.
Tuy nhiên, quy trình này thật chưa ổn. Tại sao khách hàng phải làm thủ tục chuyển tiền lòng vòng, lần thứ nhất chuyển vào ngân hàng, rồi lần thứ hai chuyển tiền từ ngân hàng sang công ty; như vậy “động tác thừa” chuyển tiền qua ngân hàng để làm gì? Vì sao cho đến sáng 24/10 mới công bố số tài khoản của công ty? Dựa vào đâu để chọn khách hàng giống như tuyển sinh đại học, tức là 1.000 khách hàng được bốc thăm, sau đó chỉ có 300 người được mua, theo tỷ lệ “1 chọi 3,3”? Mặt khác, nếu giai đoạn hai của dự án sẽ công bố sau đó hai tuần, thì tại sao không gộp hai đợt làm một sẽ ít gậy ra cảnh náo loạn? Với cách làm như thế chủ đầu tư đã thành ý chưa khi khách hàng đã chen nhau lòng vòng nộp “tiền thành ý”?
“Cái chết cuối cùng”
Sức hút căn hộ không chỉ xảy ra tại công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng mà các ngày trước đó, hầu như chủ đầu tư nào tung ra căn hộ đều bán chóng vánh. Ngay cả tại dự án chung cư Phú xuân thật xa xôi ở tận Nhà Bè, thế mà chủ đầu tư tuyên bố đã bán 160 căn hộ trong vòng 30 phút, đặc biệt hơn là bán hàng qua mạng. Thật khó tin khi giá căn hộ Phú Xuân 14 -18 triệu đồng/m2 trong khi đó mua đất nền chỉ từ 5 triệu đồng/m2! Một doanh nghiệp địa ốc nhận định: “Với diễn biến này, nếu tung dự án nào ra sẽ bán hết nhanh chóng”.
Ngay buổi sáng 24/10, trong buổi chen lấn lộn xộn taị công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, một vị khách lớn tuổi bắc ghế trước tòa nhà cho biết: “Tôi đăng ký căn hộ này là căn thứ ba, cho thằng con học nước ngoài về ở. Hiện tôi đang sống tại đây, đã mua hai căn. Một căn biệt tự lúc đầu mua 300.000 USD, giá hiện tại là 2 triệu USD”. Thật sự, theo các công ty môi giới địa ốc việc chen lấn tại nhiều dự án là kiếm cơ hội đầu tư, “lướt sóng”, nhưng sau đợt sóng ngắn ngủi đó sẽ có người “ôm hận” vì đã dính “độc chiêu”.
Thường các chủ đầu tư đã có một lượng khách hàng nhất định. Chủ đầu tư có nhiệm vụ bảo đảm “nguồn sống” cho các khách hàng. Khi chuẩn bị đưa ra dự án, chủ đầu tư đã “bắn tin” đến khách hàng ruột, và đối tượng này sẽ được đăng ký đầu tiên. Đến khi dự án công bố công khai, chủ đầu tư hùng hồn tuyên bố bán hết trong một buổi, hay… ba ngày đã khiến người ngoài cuộc trầm trồ thán phục. Và thế là một cơn sốt giá giả tạo xảy ra, những người tiên phong sẽ bán lại cho “thế hệ” sau, bất kể đó là gì, có khi chỉ là phiếu đặt cọc với một khoản chênh lệch nào đó. Chính sức hút lợi nhuận như thế đã khiến cho các “thế hệ” sau lao vào như những con thiêu thân. “Cái chết cuối cùng” xảy ra khi thị trường chững lại, không thể sang nhượng, chủ đầu tư phát giấy đòi đóng tiền tiếp… Chưa hết, sau khi bán hàng khoảng 3 hoặc 6 tháng sau, chủ đầu tư sẽ công bố giá bán 10% đối với người mua sau đó, những người đã mua tự nhiên thấy có lời! Mặt khác, trong trường hợp bán hết nhà đất nhưng chủ đầu tư vẫn phải quảng bá dự án, mục đích để cho các nhà đầu tư thứ cấp chuyển nhượng kiếm lời!
Vậy là, cuối cùng khi người cầm chìa khóa mở cửa căn hộ hay đặt viên móng xây nhà sẽ oằn lưng gánh tòan bộ các khoản tăng giá trên, nhà nước sẽ chẳng thu lợi gì qua những cuộc chuyển nhượng đó, và giá đất tiếp tục lên mây.
Theo Sài Gòn Giải Phóng