“Xóm treo” ở TP Huế - Ảnh: Dung Quất. |
Hiện nay, tại một phường giữa TP Huế có gần 400 cư dân phải chịu cảnh “sống treo” kéo dài. Nhiều gia đình luôn nơm nớp lo sợ nhà cửa sụp đổ vì quá rách nát nhưng không được cho sửa chữa. Thậm chí nhiều thanh niên muốn được đi học để có nghề kiếm sống cũng khó vì không được làm chứng minh nhân dân.
Đó là tình cảnh kéo dài đã gần năm năm qua của cư dân xóm Khe - tổ 16, khu vực 5, phường Trường An (TP Huế) - chỉ vì một dự án “treo” mà UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt từ tháng 11-2004 nhưng đến nay vẫn còn trên giấy.
Sống trong lo sợ
Theo quy hoạch chi tiết mà UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt kể trên thì toàn bộ xóm Khe sẽ phải di dời, giao 7,3ha đất cho Công ty Xây lắp Thừa Thiên - Huế đầu tư, làm chủ dự án xây dựng khu biệt thự Thủy Trường. Đồng thời tỉnh cũng đã nghiêm cấm dân xây dựng nhà cửa kiên cố, chuẩn bị giải tỏa di dời.
Thế nhưng, một người dân ở xóm Khe là ông Phạm Văn Chi cho biết: “Người dân trong tổ ai cũng mong có một nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Vậy mà từ đó đến nay chẳng thấy các nhà đầu tư có động tịnh gì”. Nỗi khổ của người dân sống trong cảnh thắc thỏm, không an cư cứ kéo dài chẳng biết đến bao giờ mới dứt. Còn sau khi có “quy hoạch treo” của tỉnh, cả xóm dân nghèo dường như đã bị “bỏ rơi”.
Người dân phải tự góp tiền, mua dây kéo điện vào xóm mới có sử dụng nên điện cứ chập chờn. Nhà cửa đã bị cấm sửa chữa, xây dựng kiên cố nên mỗi khi mùa mưa bão đến những gia đình có ngôi nhà thấp lè tè, xiêu vẹo, sắp rệu rã “chỉ biết mua bao nilông về che tạm qua ngày, chứ xây nhà là phường cho người xuống tháo dỡ liền” - ông Phan Văn Sứ, 47 tuổi, nói.
Thậm chí ông Trần Dũng - tổ trưởng dân phố xóm Khe - cho biết: “Trước đây, Công ty cấp thoát nước đã lắp đặt đường ống để đưa nước về cung cấp cho dân, nhưng nước chưa kịp về thì có quy hoạch dự án nên dừng lại luôn. Thế là cả xóm chỉ còn biết tự đào giếng để dùng tạm”. Nhưng sáu cái giếng đào - nguồn nước của cả xóm - đều bị nhiễm phèn nặng, nước ố vàng và có mùi tanh.
Chị Ngô Thị Thoàng, đang múc nước giếng về về nấu cơm, than thở: “Xóm thì trũng thấp, một bên là nghĩa địa, một bên là cống nước thải, bao nhiêu dơ bẩn ở trên cao dồn hết về đây. Biết là nước ô nhiễm nhưng phải dùng chứ còn biết lấy ở đâu. Nhà nào có tiền thì mua nước lọc đóng bình về uống, còn người nghèo thì đành phải chịu ăn uống nước giếng nhiễm bẩn này thôi”.
Ngoài những cơ cực kể trên, hiện nay có hơn 20% hộ dân tạm trú không có hộ khẩu ở xóm Khe còn chịu nhiều thiệt thòi khác. Đó là cảnh đang có gần 50 thanh niên đến tuổi học nghề, muốn đi làm ăn xa hay xin vào các xí nghiệp làm việc đều không được vì không có giấy chứng minh nhân dân. Do đó, hầu hết chỉ biết đi làm thuê như phụ hồ, đạp xích lô, bốc vác...
Trần Nam - một thanh niên trong xóm đang học sửa xe máy - kể: “Em học hết cấp II muốn đi học trung cấp điện nhưng không được. Lên trường nộp hồ sơ xong, đến ngày nhập học thì nhận được thông báo là phải có giấy chứng minh nhân dân. Vậy là em đành phải rút hồ sơ về, ở nhà một thời gian rồi mới đi học nghề này”.
Nhưng không phải thanh niên trong xóm ai cũng được như Nam. Nhiều thanh niên thất nghiệp thường chỉ biết tụ tập ăn chơi lêu lổng. Cuối cùng, có người đã rơi vào vòng tù tội vì “nhàn cư vi bất thiện” đã sinh nghề cướp giật.
Bà Đỗ Thị Thanh Mai, chủ tịch UBND phường Trường An, cho biết do những hộ dân đã nêu nhập cư bất hợp pháp, mua đất trao tay và đã có hộ khẩu ở địa phương khác nên phường chỉ quản lý bằng cách cho đăng ký tạm trú dài hạn, chứ không thể cấp hộ khẩu được. Còn việc cấp hộ khẩu là do Công an TP Huế thực hiện.
Nhưng Công an TP Huế thì trả lời họ thuộc sự chỉ đạo của công an tỉnh, nên không có thẩm quyền trả lời cho nhà báo về những thắc mắc của dân. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế lại cho rằng việc cấp hộ khẩu là do phường làm, còn chứng minh nhân dân chỉ được cấp khi có hộ khẩu thường trú.
Trong khi đó, dự án khu biệt thự Thủy Trường do Công ty Xây lắp Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư ban đầu không thực hiện được nên UBND tỉnh chuyển giao cho Ban đầu tư xây dựng TP Huế. Hiện nay, theo ông Trần Viết Trung - chuyên viên của Ban đầu tư xây dựng TP Huế: “Việc dự án triển khai chậm và chưa thể di dời người dân đến nơi ở mới là do quỹ đất tái định cư chưa xúc tiến được. Nhanh nhất là một năm nữa mới thực hiện được”.
Như vậy là cảnh “sống treo” của toàn bộ cư dân xóm Khe sẽ còn kéo dài cùng nhiều quyền lợi của họ chẳng rõ cấp nào sẽ chịu giải quyết cho dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO