Sống tạm bợ giữa thủ đô

Cập nhật 15/12/2007 11:00

Khoảng 30 nhân khẩu của 9 hộ ở số 58 A, B, C Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm) sống trong tình trạng nguy hiểm nhiều năm nay. Khu nhà xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, nhưng dự án cải tạo thì vẫn "treo" từ năm 1993.

Nhà mặt tiền số 58A, xây từ thời Pháp thuộc, rộng chỉ 42 m2 nhưng chen chúc đến ba gia đình với 17 người thuộc 4 thế hệ. Căn nhà mái tôn dột nát, được che chắn bằng giấy bóng và bạt. Các hộ gia đình ngăn cách nhau bằng phên gỗ và vách nhựa.

Chỉ vào những chùm sáng rọi thẳng từ trần nhà xuống, qua các lỗ thủng ông Tùng, chủ hộ 58A than thở: "Cứ trời mưa là cả nhà lại cuống cuồng đi tìm chậu hứng, nằm trong nhà mà chẳng khác gì ngoài sân, chúng tôi chịu cảnh này đã cả chục năm rồi"

Ngay phía trong nhà 58A là căn hộ nhà chị Dung, 6 người ba thế hệ chen chúc trong một căn phòng chỉ 11 m2. Mới đây chị đã phải làm thêm một gác xép vì hai con trai chị đã lớn. Chị Dung nói: "Khổ lắm, cứ bố mẹ trong phòng thì các con ra ngoài, hai cháu nó lớn rồi mà có bao giờ dám dẫn bạn về nhà đâu. Không khéo con tôi ế vợ mất".

Chị Dung cho biết thêm, cách đây khoảng gần một năm, một bức tường của khu nhà bất ngờ đổ ập xuống, rất may là không có ai bị thương, nhưng những bức tường đã rất yếu ớt, không biết chống chịu được đến bao giờ, những người ở đây lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.

Ở trong tình trạng nguy hiểm nhất là gia đình chị Mai, hiện chị và hai con, đang sống ở tầng 2 khu nhà xây từ năm 1963. Ngôi nhà xuống cấp trầm trọng đến mức người ở tầng 1 đã phải dọn đi, nhưng vì gia đình chị khó khăn, không biết ở đâu nên vẫn đành bám trụ lại.
 
Sàn nhà rung lên bần bật, mỗi khi di chuyển lại phát ra tiếng lạo rạo như sắp sửa sụt xuống, thậm chí có chỗ đã thủng hẳn, thò cả chân xuống tầng dưới được. Chị Mai đành gia cố tạm bằng phên gỗ.



Xối nước sinh hoạt luôn ở trong tình trạng ô nhiễm vì nước tù đọng.


Khu nhà này thuộc sở hữu nhà nước, hiện do Xí nghiệp Quản Lý và Phát triển nhà số 3 quản lý, được các hộ ở đây thuê lại từ khoảng năm 1954, lần cải tạo mới nhất là năm 1963. Do tình trang xuống cấp của khu nhà này, nên năm 1993 đã có dự án cải tạo, nhưng cho đến nay vì nhiều lý do, dự án vẫn bị đình trệ.

Chị Liên, ở căn hộ 58 B cho biết, ban đầu một số hộ dân ở đây không thống nhất được phương án đền bù, nhất là hai hộ có nhà mặt phố, nhưng ngay cả khi các hộ dân đã đồng ý, ký vào bản cam kết thì dự án vẫn không được triển khai, lý do được đưa ra là chưa có kinh phí, hay chưa tìm được quỹ nhà tái định cư.

Chị Liên cho biết thêm, vì đây là nhà dự án nên, các hộ không thể mua lại, cũng không thể tự ý cải tạo xây dựng, có duy nhất một hộ nhà anh Hưng, "làm liều" tự ý cải tạo thì lại có nơi ở đàng hoàng, hơn chục năm nay. Hơn nữa, ở đây cũng chủ yếu là dân lao động nghèo, những người nào khá hơn một chút thì cũng đã dọn đi thuê nơi khác.

Chị Dung nói: "Dự án cải tạo nhà 58 có từ khi con tôi học lớp 3, giờ cháu 25 tuổi, đến tuổi lấy vợ rồi mà vẫn chưa thấy đâu. Nhà nước cứ cải tạo nhà cho chúng tôi, chúng tôi đi đâu cũng được, xa cũng được, miễn là có một nơi ở đàng hoàng".

Ông Tùng ở nhà 58A, một trong 2 căn hộ mặt tiền, dù rất muốn được cải tạo khu nhà, nhưng lại lo lắng, khi cải tạo xong nhà, gia đình ông không được ở mặt tiền tầng một. Ông nói: "Gia đình tôi hiện trông cả vào cửa hàng bán đồ gỗ, nếu không được ở mặt tiền thì chúng tôi biết làm gì. Chúng tôi sẽ di dời, nhưng phải đền bù cho chúng tôi được một căn hộ mặt tiền, tầng một".

Bà Loan Tổ trưởng dân phố cho biết, người dân ở đây rất bức xúc vì tình trạng xuống cấp nguy hiểm và ô nhiễm môi trường ở khu nhà này từ nhiều năm nay. Mỗi khi có đợt dịch như sốt xuất huyết, sốt vi rút... thì khu nhà này luôn được đặt trong tình trạng báo động đỏ.
 
Mọi người xung quanh đều mong muốn cho khu nhà sớm được sửa chữa cải tạo, nhưng bà Loan không rõ nguyên nhân dự án bị treo nhiều năm nay.

Ông Đích, Bí thư đảng ủy tổ dân phố, cũng trả lời không rõ nguyên nhân tại sao dự án cải tạo khu nhà bị đình trệ. Ông Đích nói: "Việc quản lý khu nhà không thuộc thẩm quyền của đảng ủy, ông không biết về hiện trạng xuống cấp của khu nhà cũng như dự án cải tạo nó, càng không biết nguyên nhân tại sao dự án bị đình trệ".

Ông Thành, đại diện Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà số 3 xác nhận, dự án cải tạo nhà 58 Nguyễn Hữu Huân đã có từ năm 1993 nhưng lúc thì do người dân chưa thống nhất, lúc do chưa có vốn, chưa có quỹ nhà tái định cư tạm thời nên chưa thể triển khai. Hiện Xí nghiệp đang trình lên UBND TP để xin phương án quỹ nhà tái định cư.

Theo Đô Thị