Nhiều vụ cháy nổ chung cư cao tầng xảy ra gần đây đã làm bất an người dân, đặt ra nhiều câu hỏi về sự an toàn của nhà chung cư, đặc biệt là trong phòng chống cháy nổ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Gia đình Việt Nam)
|
Chung cư cao tầng là kiến trúc nhà ở đặc biệt, được quản lý chặt chẽ từ khâu thiết kế đến khi xây dựng xong, bàn giao đưa vào sử dụng. Là loại nhà ở đặc biệt với hàng trăm hộ gia đình sinh sống theo chiều thẳng đứng, nên việc đảm bảo an toàn cho người dân sống trong tòa nhà là mục tiêu hàng đầu mà bất kỳ chủ đầu tư nào cũng phải cam kết thực hiện. Về lý thuyết, tất cả các công trình xây dựng trong đô thị trong đó có nhà chung cư, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước về phòng chống cháy nổ và chữa cháy. Nhưng thực tế lại không như vậy. Có nhiều nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ với mức thiệt hại khác nhau:
+ Công tác kiểm tra giám sát và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng đã bị buông lỏng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy của Nhà nước. Hầu hết các chung cư xảy ra cháy nổ đều thiếu các trang thiết bị phòng và chữa cháy. Hệ thống điện trong tòa nhà không đảm bảo an toàn, dễ gây chập điện.
+ Việc quản lý vận hành nhà chung cư thiếu chuyên nghiệp, nhiều chủ đầu tư sau khi bán hết các căn hộ đã không quan tâm đến công tác bảo trì công trình cho dù chủ đầu tư đã thu tiền quỹ bảo trì, sửa chữa chiếm tới 2% tiền mua nhà của cư dân.
+ Hầu hết chung cư cao tầng đều có từ 1 đến 2 - 3 tầng hầm. Là nơi chứa xe ôtô, xe máy; hầm thu gom rác thải; nơi đặt hệ thống điện, kỹ thuật điều khiển trung tâm của tòa nhà. Nên đây là nơi ẩn chứa nhiều nguyên nhân gây ra cháy nổ (do rò rỉ xăng từ ôtô, xe máy; do chập điện từ hệ thống điều khiển điện trung tâm; cháy hầm thu rác…)
+ Ý thức sử dụng nhà chung cư của cư dân còn kém. Đã từng xảy ra các vụ cháy nhà chung cư mà nguyên nhân từ việc đốt vàng mã của người dân, hay bất cẩn khi hàn xì trong lúc sửa chữa căn hộ.v.v…
Việc chữa cháy, cứu nạn rất hạn chế bởi không gian xung quanh các chung cư bị chiếm dụng, hay xây dựng trái phép làm hàng quán, gây cản trở và làm giảm hiệu quả cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Trang thiết bị cứu nạn còn thiếu. Hiện nay xe thang nâng của lực lượng phòng cháy, chữa cháy mới chỉ vươn cao tới tầng 16, trong khi đó nhiều chung cư có chiều cao từ 20 tầng trở lên.
Điều cần làm hiện nay là phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra ngay từ bước ban đầu là quy hoạch, thiết kế nhà chung cư cao tầng, trước khi cấp giấy phép xây dựng cho đến khi đưa công trình vào sử dụng.
Xây dựng phát triển chung cư cao tầng đô thị là chủ trương đúng đắn của Nhà nước ta, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế chung của thế giới. Chung cư cao tầng trong các khu đô thị mới góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân được tốt hơn, và cũng làm phong phú thêm nền kiến trúc nước nhà trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế. Nhưng chung cư cao tầng cũng tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến mất an toàn gây thiệt hại không lường, thậm chí sẽ biến thành các khu nhà ổ chuột thời hiện đại, nếu các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trước cộng đồng; các cơ quan chức năng lơ là, buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động xây dựng và vận hành nhà chung cư. Và cuối cùng là ý thức trách nhiệm của cư dân sống tại nơi đó.
KTS Phạm Thanh Tùng
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng