“Sóng ngầm” đằng sau dự án xin chuyển đổi

Cập nhật 27/08/2013 08:07

Việc các dự án nhà ở thương mại đã huy động vốn của người dân giờ chủ đầu tư xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội đang tạo ra nhiều hệ lụy cho khách hàng.


Bỏ ra gần 1 tỷ đồng góp vốn mua dự án chung cư thương mại B5 – Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội do Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) làm chủ đầu tư từ năm 2011. Ông Nguyễn Văn T (Nam Định) không những chờ dài cổ vài năm mà vẫn chưa nhận được nhà. Giờ lại nhận thêm tin, chủ đầu tư dự án này đang làm thủ tục gửi Bộ Xây dựng để xin chuyển đổi dự án này sang nhà ở xã hội.

Ông T cho biết “Chúng tôi góp vốn mua nhà ở thương mại chứ không mua nhà ở xã hội. Với những quy định về nhà ở xã hội, khách hàng của dự án sẽ bị “gạt” ra ngoài vì không đủ điều kiện (hộ khẩu, thu nhập…). Chủ đầu tư dự án không có quyền đơn phương chuyển đổi dự án thành nhà ở xã hội mà không có sự đồng ý của nhà đầu tư thứ cấp”.

Trước đó, ngày 19/3/2013, Liên danh Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (Liên danh – chủ đầu tư dự án chung cư B5 Cầu Diễn) đã có Công văn số 119/CV – LD gửi Bộ Xây dựng xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại ô đất CT5 huyện Từ Liêm, Hà Nội (nơi xây dựng dự án B5 Cầu Diễn - PV)

Đồng cảnh ngộ với ông T, nhiều khách hàng mua nhà tại BrightCity - AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư cũng tự nhiên bị ép vào tình huống tương tự.

Anh Nguyễn Văn Quân (người mua nhà) cho biết, năm 2011, anh đã ký hợp đồng đặt cọc hơn 500 triệu đồng để mua căn hộ diện tích 88 m2 tại dự án chung cư AZ Bright. Nếu dự án chuyển đổi, diện tích căn hộ sẽ bị thu hẹp lại dưới 70m2 nên không phù hợp với nhu cầu sinh sống. Thêm vào đó, dự án cũng sẽ không còn tiện ích khác như hầm để xe; Mật độ dân số đông lên trong khi số lượng thang máy không thay đổi, dịch vụ khác không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cư dân.

Được biết, dự án chung cư AZ Bright là một trong 3 dự án chung cư đầu tiên được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sang nhà ở xã hội. Dự án có diện tích 1,5 ha trong đó diện tích xây dựng chiếm 5626m, mật độ xây dựng đạt 32,92% và gần 70% diện tích cảnh quan, cây xanh, 3 tầng hầm liên thông 4 tòa nhà. Sau khi hoàn thành, dự kiến hơn 1300 căn hộ, diện tích từ 70-90m2.

Theo phương án mà chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh và đã được đồng ý về mặt nguyên tắc, Dự án AZ Thăng Long vẫn giữ nguyên diện tích đất, diện tích xây dựng và chiều cao công trình, thay đổi lớn nhất là bỏ 3 tầng hầm và chia nhỏ 820 căn hộ có diện tích lớn thành 1.496 căn hộ có diện tích từ 50 - 70 m2.

Trước những kiến nghị của khách hàng, trao đổi với PV VnMedia ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cho biết, căn cứ khoản 3, Điều 1, Thông tư 02/2013/TT-BXD ngày 08/3/2013 của Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ chỉ được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng và căn hộ (kể cả cao tầng và thấp tầng) mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng. Trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh mục đích sử dụng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV quy định đặt ra là vậy nhưng thực tế các chủ đầu tư có xin ý kiến của khách hàng hay không và có được khách hàng đồng thuận hay không lại là một câu chuyện khác. Việc các khách hàng không đồng tình cho chủ đầu tư chuyển đổi sẽ là một rào cản lớn cho quá trình “hóa kiếp” nhiều dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia