Thông tin về việc năm nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm gần 100 điểm rào chắn, hay còn gọi là “lô cốt”, tiếp tục mọc lên trên hàng chục tuyến đường đã khiến không ít người dân lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại hàng ngày.
Thực tế trong năm 2008 đã cho thấy, việc thi công có rào chắn là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị. Nhưng… việc các “lô cốt” thi nhau mọc lên lại là điều không thể tránh khỏi!
Rào chắn khắp nơi
Dự kiến trong năm nay, việc thi công có rào chắn tại các dự án, công trình giao thông sẽ diễn ra trên 80 tuyến đường, với tổng chiều dài đường phải đào là gần 60 km. Chỉ riêng 3 dự án lớn tiếp tục được thi công là: Vệ sinh môi trường thành phố (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), dự án Cải tạo môi trường nước và dự án Nâng cấp đô thị sẽ chiếm dụng mặt đường của 60 tuyến đường và 96 điểm rào chắn sẽ được dựng lên.
Trong đó có nhiều tuyến đường chính như: Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Cao Thắng, Lê Văn Sỹ, đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Lý Chính Thắng, Lê Đại Hành, Trần Quang Khải, Nguyễn Biểu, Bùi Hữu Nghĩa… Cùng các công trình đào đường khác trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, sửa chữa cầu đường, điện lực… trên địa bàn nhiều quận, huyện cũng đang và sẽ dựng lên hàng chục điểm rào chắn. Thêm vào đó, vẫn còn 56 rào chắn của các công trình thi công trong năm 2008 đang dở dang.
Như vậy, nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội thành, nhất là các quận trung tâm thành phố là rất cao. Phần lớn các tuyến đường phải thi công có rào chắn là các trục đường chính, có mật độ lưu thông lớn, nhưng cũng có những tuyến đường hẹp, vốn đã quá tải, nay “lô cốt” mọc lên sẽ càng khiến tình hình giao thông, nhất là vào giờ cao điểm càng phức tạp hơn.
Anh Phạm Văn Vũ, ngụ trên đường Trần Quang Diệu, quận 3 lo ngại khi “lô cốt” tiếp tục mọc lên trên đường Lê Văn Sỹ: “Đường này chiều nào cũng đông nườm nượp xe cộ, ngược về phía Sài Gòn cũng đông mà hướng ra Lăng Cha Cả cũng đông, rồi lượng xe từ đường bờ kênh Nhiêu Lộc đổ ra... giờ mà thêm “lô cốt” mọc lên nữa thì chắc kẹt cứng!”.
Tìm cách sống chung
Ai cũng hiểu các công trình thi công có rào chắn là những công trình tối cần thiết nhằm nâng cấp hệ thống giao thông đô thị, hệ thống cấp thoát nước cũng như vệ sinh môi trường nước thành phố. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện đã có những tính toán chưa phù hợp về thời điểm thi công, cũng như việc phân luồng giao thông và cả việc thi công chậm tiến độ, dựng rào chắn không hợp lý, gây tai nạn cho người đi đường, gây cản trở giao thông, chậm và cẩu thả trong việc tái lập mặt đường v.v..
Để khắc phục những tác động tiêu cực của việc thi công có rào chắn, trong năm 2008 Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thành phố đã tăng cường kiểm tra xử phạt các lỗi vi phạm tại các vị trí rào chắn, đình chỉ và rút giấy phép thi công với một số nhà thầu và đơn vị thi công vi phạm nhiều lần.
Trước tình hình các công trình đều đang được ồ ạt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, biến TP. Hồ Chí Minh thành một “đại công trường” với dày đặc “lô cốt” khắp nơi, Sở GTVT cũng đã đề ra nhiều giải pháp tích cực. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Cùng với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành sớm các công trình có chiếm dụng lòng lề đường, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, Sở đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm về chậm tiến độ, về rào chắn và công tác tái lập mặt đường; tăng cường trực gác, phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các điểm rào chắn khu vực dễ xảy ra ùn tắc giao thông.
Sở GTVT cũng đã ban hành quy định mới về mẫu rào chắn tại các công trình thi công có chiếm dụng mặt đường, theo hướng đảm bảo an toàn cho thi công và cho người đi đường.
Sự chia sẻ và ý thức trong lưu thông của người dân cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giảm bớt ùn tắc giao thông do ảnh hưởng từ việc thi công có rào chắn. Nhiều người dân cũng đã và đang tìm cách để “sống chung với lô cốt”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh), chủ một cửa hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từng có một số “lô cốt” được dựng lên, cho biết: “Mấy cái rào chắn nằm án ngữ trước cửa tiệm thấy cũng hơi bất tiện. Nhưng biết người ta làm là để sửa chữa cống thoát nước thì mình cũng đồng tình và chịu khó một chút vì việc chung. Tuy việc kinh doanh của mình không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng có điều là đơn vị thi công làm hơi mất vệ sinh, nước chảy, cát đất vương vãi nhìn nhếch nhác lắm”.
Bác Lê Quang Lập (ngụ khu Miếu Nổi, quận Phú Nhuận) thì cho rằng: “Mỗi người ý thức một chút, chịu chậm tí thời gian thì dù có “lô cốt” từ từ cũng qua được. Chứ ai cũng tranh nhau phóng xe vượt lên muốn đi nhanh, đi trước, leo lên lề đường, đi ngược chiều, đi tắt ngang đủ kiểu thì làm sao mà không kẹt xe được. Tôi chỉ mong rằng bên giao thông dựng rào chắn để sửa chữa đường sá, cầu cống gì thì cứ làm, nhưng phải làm nhanh, làm đàng hoàng và làm xong phải trả lại mặt đường như cũ, chứ nhiều chỗ làm xong, tháo dỡ rào chắn để lại mặt đường lồi lõm là không chấp nhận được!”.
Hi vọng từ những giải pháp của ngành giao thông lẫn ý thức tích cực từ phía người dân thành phố, những ảnh hưởng tiêu cực cũng như nguy cơ ùn tắc giao thông từ việc thi công có rào chắn sẽ phần nào được hạn chế. Vẫn có thế sống chung với “lô cốt” nếu chúng ta biết cách và cùng vì việc chung.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng