Nghĩa trang Văn Điển được gia hạn tiếp nhận hung táng thêm 15 ngày. Những ngày đầu thời “hậu Văn Điển” khiến không ít người dân Hà Nội thực sự lo âu đi tìm đất “chết”.
Đất nghĩa trang vốn đã là vấn đề “nóng” thời gian gần đây, bây giờ đã được đẩy lên đỉnh điểm.
Công viên Vĩnh Hằng: Giá tăng vùn vụt
Công viên Vĩnh Hằng tọa lạc trên phần đất cả hai xã Phú Sơn và Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 70km về phía Tây. Với diện tích gần 20ha, có sức chứa lên đến hàng vạn ngôi mộ.
Ông Phùng Đình Bảy cho biết: “Có hai cách để được an táng tại Vĩnh Hằng. Nếu hung táng, thì khách hàng phải đăng ký ở 125 Phùng Hưng, nếu muốn mai táng vĩnh cửu thì khách liên hệ trực tiếp với Công ty cổ phần Vĩnh Hằng để mua đất”. |
Ngày hôm qua, 1/7, tại
công viên Vĩnh Hằng không có một đám tang nào. Ông Phùng Đình Bảy- Phó giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hằng, phụ trách vấn đề đất đai và mai táng cho biết. Tuy nhiên, từ sáng sớm, đã có khá đông người dân đến đây. Hầu hết họ là người cao tuổi, không phải đi thắp hương cho mộ phần người thân mà đi hỏi mua đất tại nghĩa trang công viên này. Tuy cơ quan chức năng của Hà Nội đã quyết định lùi thời hạn đóng cửa Văn Điển thêm 15 ngày nữa, nhưng thời gian ấy cũng không nhiều, do vậy người dân vẫn hối hả đi tìm lo hậu sự cho mình hoặc người thân.
Ông Trịnh Văn Tốn, đang cầm camera chăm chú quay chi tiết mảnh đất gồm hai hố mà mình mới mua được, ông ngước sang phía tôi nói với giọng phấn khởi: “Cái góc kia hơi xẹo xẹo một chút, nhưng 13m2, mua với giá 67 triệu đồng. May là tôi mua được với giá thỏa thuận hôm kia đấy, chứ hôm nay thì cao hơn rất nhiều rồi”. Sau khi nghe tin Văn Điển đóng cửa, hai vợ chồng ông đã phải bắt taxi từ Kim Mã lên đến tận công viên Vĩnh Hằng với quãng đường gần 70km, đi đi về về mấy chuyến tìm hiểu giá cả, rồi tìm vị trí, hôm nay đôi vợ chồng đã ngoài 70 tuổi này mới mua được 2 suất ở đây. “ Lúc chưa đi hỏi mua đất, chả ai nghĩ là phải bỏ ra non gần trăm triệu bạc để mua nơi an nghỉ cho mình. Lương hai vợ chồng nhà giáo về hưu góp nhặt mới đủ đổi lấy 13m2. Tôi cũng tính rồi, mua trước còn rẻ hơn mua sau. 70 triệu đối với dân nhà giáo thì to, nhưng đối với những nhà buôn thì thấm tháp gì, không nhanh tay mua người ta mua mất”, ông Tốn nói.
Cùng với vợ chồng ông Tốn là rất nhiều người đến với công viên này để liên hệ mua đất.
Ông Bảy đưa phóng viên đi một vòng tham quan nghĩa trang và cho biết: “Giá đất ở đây ngày hôm qua và hôm nay là khác nhau hoàn toàn. Cao hơn là do nhu cầu ngày một lớn”. Thời điểm đầu, giá bán 1m2 ở đây là 800.000 đồng, sau này khoảng hơn 2 triệu đồng tuỳ vị trí. Ngày hôm qua, giá trung bình đã lên đến 5 triệu đồng 1m². Mỗi mộ phần từ 6 hoặc 7m², có nghĩa là giá từ 30 triệu đồng trở lên. “Hiện đã có 300 khách mua đất ở khu mới. Có khách mua 5 đến 7m², nhưng cũng có những khách mua cả vài trăm m² để dành lo hậu sự cho cả gia đình”.
Ở công viên Vĩnh Hằng, đất nghĩa trang được chia làm hai khu, gọi là “khu biệt thự” và “khu chung cư”. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết diện tích của “Khu biệt thự” đã được mua hết, chỉ còn “khu chung cư” được xây hố theo hàng lối sẵn từ trước. Nếu như giá cho một ngôi mộ “chung cư” trước đây là 11,5 triệu đồng khi chôn cất chỉ thêm 2 triệu đồng hoàn thiện thì giá tại thời điểm hiện tại đã gấp gần 3 lần. Những “khu biệt thự” chỉ riêng tiền đất đã có giá tới vài trăm triệu đồng. “Công viên Vĩnh Hằng có thể phục vụ cho khoảng 10.000 ngôi mộ”, ông Bảy cho biết.
Nghĩa trang Yên Kỳ: “Cò” tung hoành
Theo quy định của thành phố, người dân khi qua đời thì được an táng (hoặc hung táng, điện táng...) tại địa điểm do thành phố quy định. Cụ thể, chi phí cho một tang lễ hung táng trọn gói tại nghĩa trang Văn Điển là 3.450.000 đồng. Nếu thuê thêm xe khách (xe tang nằm trong gói dịch vụ) thì phải trả 650.000 đồng/chuyến. Hung táng trọng gói tại nghĩa trang Vĩnh Hằng là 6.141.000 đồng, đã có 1 xe tang. Thuê thêm 1 xe khách phải trả 1.000.000 đồng. QH |
Yên Kỳ (còn gọi là Bất Bạt thuộc Ba Vì, Hà Nội), nghĩa trang lớn nhất Hà Nội chỉ cách công viên Vĩnh Hằng vài cây số, tình trạng “sốt” đất cũng không thua kém.
Dường như ở mỗi một quán nước hoạt động trong nghĩa trang đều có “cò” đất nghĩa trang. “Trọn gói chôn cất, cải táng từ A đến Z”, một “cò” không ngớt lời chào mời chúng tôi.
Ở nghĩa trang này có rất nhiều loại “cò”. Mỗi loại “cò” đẳng cấp khác nhau. Trung là “cò” dẫn mối chuyện nghiệp, chuyên tiếp cận và thuyết phục khách đến gặp chủ của mình để thương thảo mua bán. “Cò” đẳng cấp cao hơn là trực tiếp mua bán đất như vợ chồng V- T. Đề cập mong muốn được mua đất ở nghĩa trang này, có tới gần chục người hứa giúp chúng tôi mua đất chôn một cách dễ dàng mà không cần phải viết một đơn từ nào cả. Có những người hành nghề “cò” đất nghĩa trang đã 17 năm nay, lập hẳn một đường dây “chỉ trỏ” chuyên nghiệp rải từ đầu thôn Yên Kỳ vào đến nghĩa trang.
Ở khu B2, hàng đầu đối diện với đường lớn, V. ra giá cứ như đất nhà mình: “2 chục triệu!”. Khu B25, B26 vừa mới xây dựng phần thô, cả hai khu này chứa đến hàng trăm ngôi mộ. V. cho biết: “Mới xây xong nhưng đã có người mua rồi đấy. Khu này mới, đẹp, thoáng, quy củ, bọn anh phải lấy khách đến 15 triệu đồng/hố mới có lời đôi đồng”.
Khi hỏi giá khu B25, B26, anh ta “thông tin” luôn: “Một hố 8 triệu. Những hàng đầu đã có chỗ rồi. Giá rất hợp lý đấy bởi chúng tôi phải mua lại người ta với giá hơn 7 triệu đồng rồi. Anh muốn mua mấy mấy hố cũng được chỉ cần đặt cọc trước mỗi suất 500 nghìn đồng!”.
Xem ra chuyện chết cũng không hề đơn giản!
Ngày 1/7, ông Hoàng Thành Thái, Trưởng Ban Phục vụ Lễ tang TP Hà Nội khẳng định, thời gian nghĩa trang Văn Điển ngừng tiếp nhận hung táng cho người đã khuất là ngày 15/7 thay vì ngày 1/7 như đã thông báo trước đây. Những trường hợp tử vong trong ngày 14/7, vẫn được làm thủ tục an táng tại nghĩa trang Văn Điển. Việc lùi ngày như vậy nhằm mục đích để người dân Thủ đô có thêm thời gian chuẩn bị và quen dần với việc sẽ phải hung táng cho người đã khuất tại nghĩa trang Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì mặc dù nghĩa trang này vẫn tiếp nhận hung táng từ 1//7.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình