“Soi” chất lượng sống trong khu đô thị mới

Cập nhật 02/09/2010 10:50

Bất cứ một khu ở nào, dù sang trọng, hay tiện nghi… niềm hạnh phúc ấy có thể đổ vỡ nếu không có đơn vị quản lý giỏi.

Chưa bao giờ người dân trong các khu đô thị mới (KĐTM) lại lo lắng cho nơi ở của mình như bây giờ. Mất điện, nước, rác không thông, không có chỗ gửi xe… tất cả đang là nỗi canh cánh lo của những cư dân các KĐTM và cả với những ai đang, sẽ mua nhà ở đó.


Phát triển nhanh - quản lý chậm

Theo một báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã và đang xây dựng hơn 10.000 dự án nhà ở và KĐT. Trong đó có những KĐT mới “siêu lớn” đã triển khai khá lâu như Bắc Sông Hồng (Hà Nội) 8.000ha, Nam Sài Gòn 2.500ha, Bắc Thủ Dầu Một (Bình Dương) 4.300ha (nghĩa là sẽ có hàng triệu người ở đó). Theo Nghị định 02, KĐTM phải có quy mô từ 50ha trở lên (trường hợp dưới và chỉ lớn hơn 20ha là khi nó bị giới hạn bởi các dự án khác kề cận). Vậy có thể hiểu dưới 50ha gọi là khu dân cư. Nhưng dù ở quy mô nào thì KĐTM, hay khu cư dân mới cũng phải có đơn vị chuyên trách quản lý và cung cấp các dịch vụ cho người dân như: Điện công cộng, thang máy, nước, thu gom rác, bảo vệ… Chỉ cần tưởng tượng nếu không được quản lý và cung cấp các dịch vụ này (gọi tắt là quản lý), thì chỉ qua 1 tuần các toà nhà chung cư cao tầng trong các KĐTM sang trọng đến mấy cũng sẽ rác ngập tới mũi, cuộc sống dân rơi vào hỗn loạn.

Ở Hà Nội, bây giờ không cần phải ngược về tận các tiểu KĐT cũ như: Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Nam Đồng… mới hiểu công tác quản lý quan trọng thế nào. Mà nay, đến các toà nhà 15 - 16 tầng tại một số KĐT như: Nam Trung Yên, Định Công… vẫn có thể có các biển hàng bánh cuốn, tiết canh, may đo quần áo, thịt sống… dán, viết treo nhằng nhịt trên các tầng. Dân KĐTM Định Công - Đại Kim, Đền Lừ… của Hà Nội cũng ăn uống, mua bán, phơi phóng ngay tại hành lang, lối đi, cầu thang… Những chuyện bê bối ở các khu dân hay KĐTM, có thể nói, một phần không nhỏ là do công tác quản lý rất tồi. Và nó cũng là nguyên nhân của tình trạng xuống cấp mọi mặt ở các KĐT, khu cư dân mới vừa ra đời.

Chưa có hồi kết


Mặc dù đã có Quy chế KĐTM (của Nghị định 02/2006/NĐCP tháng 1/2006), nhưng đến nay, tại nhiều KĐTM, các DN hoạt động trong lĩnh vực này còn thiếu chuyên nghiệp. Do thiếu chuyên nghiệp, cộng thêm sự chưa rõ ràng trong các quy định về quyền sở hữu nên mới nảy sinh chuyện tranh chấp đâu là phần chung, đâu là phần riêng. Đặc biệt là phần ngầm (hay tầng hầm) của các tòa nhà. Và do sự sinh lợi quá cao (cho thuê, gửi xe…) nên các chủ đầu tư không bao giờ “nhả” miếng ngon này. Và qua rất nhiều tranh cãi, tất cả vẫn chưa ngã ngũ. Cho đến nay, các DN quản lý KĐTM, khu dân cư mới vẫn chỉ do các chủ đầu tư đẻ ra. Có thể nói quan hệ này (chủ đầu tư - người dân) khá đặc biệt, không chấm dứt sau cuộc mua bán nhà, nó tiếp diễn dài lâu cho đến khi một mô hình quản lý mới nào đó tốt hơn ra đời.

Có thể kể ra nhiều nỗi đau đầu của DN quản lý, đơn giản nhất như nếu KĐTM nằm trên địa giới của nhiều phường, xã khác nhau, thì mỗi lần DN cần họp hành yêu cầu hỗ trợ về trật tự, an ninh hay quản lý, nhân khẩu… mời được “liên quân” ấy, còn lâu. Quản lý KĐTM như quản lý một xã hội thu nhỏ, rất phức tạp. Các DN làm nghề này đang tự bươn chải trong hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, trong vòng luẩn quẩn không quản lý tốt thì không bán được nhà. Quản lý tốt thì cần nhiều tiền, cần nhiều tiền nhưng không thể bắt dân tăng phí dịch vụ… Chưa có một lối ra rõ ràng cho DN quản lý? Còn đối với người dân - chọn KĐTM chất lượng xây dựng tốt, giao thông với trung tâm thuận lợi v.v… chưa đủ, nếu không chọn đúng, có thông tin đầy đủ về khả năng của DN quản lý và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống lâu dài của mình.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng