Cuối năm 2018, tỉnh Sóc Trăng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc bổ sung cảng nước sâu ngoài khơi Trần Đề vào quy hoạch cảng biển đặc biệt (loại IA), tức là cảng biển quốc tế.
Cuối năm 2018 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung cảng biển nước sâu Trần Đề vào quy hoạch cảng biển loại IA. Trong ảnh là cảng biển Trần Đề hiện hữu. Ảnh: baodautu.vn.
Theo ông Trí, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang điều chỉnh bổ sung quy hoạch cảng Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng thành cảng biển loại IA, tức cảng nước sâu phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của cả nước và liên vùng, đây là cảng cửa ngõ hoặc trung chuyển quốc tế.
Thông tin trên được ông Lê Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết tại hội nghị đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019 vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức ở thành phố Cần Thơ cuối tuần rồi.
Cũng theo ông Trí, UBND tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với Cục hàng hải Việt Nam và đến tháng 11 hoặc 12 trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để cuối năm 2018 trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông qua. "Tôi rất mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ kế hoạch này của tỉnh Sóc Trăng", ông Trí cho biết.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng là sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch và đưa cảng biển Trần Đề của Sóc Trăng vào trong hệ thống cảng biển đặc biệt (loại IA) của quốc gia.
Theo đó, cảng biển này sẽ có vai trò là cảng biển cửa ngõ quốc tế, có bến cảng nằm ngoài khơi cửa Trần Đề, có khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho tàu biển có tải trọng 50.000 DWT đến trên 100.000 DWT. Phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp từ ĐBSCL đi quốc tế và ngược lại.
Tại buổi làm việc của tỉnh Sóc Trăng với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể hồi tháng 3-2018, Chủ tịch UBND địa phương này, Trần Văn Chuyện cho biết một số nhà đầu tư đã đề nghị thực hiện dự án cảng biển nước sâu Trần Đề, trong đó, có Tập đoàn International Development Consortium (ILDC) của Pháp.
Nhà đầu tư này đề xuất đầu tư khu phức hợp cảng biển nước sâu Mekong ILDC với tổng mức đầu tư khoảng 136.500 tỉ đồng, bao gồm cụm cảng biển, khu dịch vụ cảng và khu đô thị, công nghiệp gắn liền với cảng. Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 6.000 ha.
Theo quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được duyệt, gồm hai cảng loại IA là cảng biển Hải Phòng (khu bến chính tại Lạch Huyện) và cảng biển Bà Rịa Vũng Tàu (khu bến chính tại Cái Mép).
Trong khi đó, các cảng tiềm năng loại IA được xác định là cảng biển Đà Nẵng (khu bến chính tại Liên Chiểu) và cảng biển Khánh Hòa (khu bến chính tại Vân Phong).
DiaOcOnline.vn – Theo Người Lao Động