Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị: Mở rộng diện cấp phép xây dựng tạm

Cập nhật 04/01/2009 08:23

Hiện nay, có quận cho xây nhà tạm phạm lộ giới, có quận ách.

Lộ giới đường cũng là một loại quy hoạch. Khi người dân tại TP.HCM xin cấp phép xây dựng nhà trên các tuyến đường dự phóng thì bị quy định về quản lý xây dựng lẫn quản lý giao thông vận tải ràng buộc. Do chưa có hướng dẫn thống nhất nên việc cấp phép xây dựng tạm trên lộ giới đường tại các quận nhiều khi trái ngược nhau.

Cấp phép tạm: Mỗi quận một kiểu


Ông Phạm Hải Sơn có một căn nhà gần UBND phường 12 (quận Gò Vấp). Theo quy hoạch, nhà ông nằm trong đường dự phóng của dự án khu phức hợp. Khi xin phép xây dựng, ông Sơn được giải quyết cho xây dựng tạm quy mô một trệt, một lầu. Tương tự, căn nhà hơn 35 m2 của ông Tạ Chương Đào tại khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp (quận 12) nằm trên lộ giới đường 10 m cũng được cấp phép xây dựng tạm. Cơ sở pháp lý cho xây dựng tạm theo Luật Đất đai và Quyết định 04 năm 2006 của UBND TP.HCM. Theo đó, đất đã có quy hoạch được công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi vẫn được cấp phép xây dựng tạm với điều kiện công trình tạm phải đúng mục đích của đất đó.

Một trường hợp khác gần tương tự là thửa đất ở của ông Trần Duy Chung nằm hoàn toàn trên đường xe lửa dự phóng thuộc quận 9. Thế nhưng ông Chung chưa chắc được cấp phép xây dựng tạm dù thỏa mãn các điều kiện cấp phép tạm nêu trên do bị vướng Nghị định 186 năm 2004 về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nghị định này quy định đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ chỉ dành để xây dựng công trình đường bộ và sử dụng, khai thác cho mục đích an toàn giao thông vận tải đường bộ. Nghiêm cấm xây dựng các công trình khác trong phạm vi đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ trừ công trình thiết yếu.

Hai quận Gò Vấp, Bình Thạnh thì giải quyết cấp phép tạm tại các đường chưa có tên (đường dự phóng), còn đường đã có tên, đã công bố lộ giới thì không cấp phép tạm. Nếu có một phần nhà đất nằm trên lộ giới đường thì chỉ được sử dụng phần này làm sân trống hoặc sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng. Quận 10 thì thoải mái hơn, mọi loại đường tại quận 10 thỏa mãn điều kiện về giấy phép xây dựng tạm sẽ được cấp phép với quy mô một trệt, một lầu. Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Việt, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 12, cho biết tại quận này, nếu đất trước đó đã có nhà thì sẽ được cấp phép xây dựng tạm, nếu là đất trống thì không được giải quyết do vướng Nghị định 186. Quận 6 thì băn khoăn hỏi Sở Xây dựng: “Đường Hậu Giang 40 m, chưa biết khi nào mới mở thì những căn nhà hoàn toàn nằm trong lộ giới cho cấp phép tạm được không?”.

Kiến trúc nhà pha tạp


Sự vận dụng Nghị định 186 khác nhau của các quận trong cấp phép xây dựng nhà tạm phạm lộ giới không chỉ khiến người dân thắc mắc mà còn ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Lộ giới nhiều đường công bố từ rất lâu và lớn hơn hiện trạng (đường Võ Thị Sáu 35 m, đường Lý Thái Tổ 40 m...) nhưng chưa biết khi nào mở được.

Hiện tại, nhiều quận chỉ giải quyết cấp phép xây dựng theo quy hoạch, phần nhà cũ vi phạm lộ giới đường nếu phá dỡ sẽ không được xét cho xây mới. Người dân linh động chọn phương án phần nhà xây mới thì đúng lộ giới (lùi vào trong), phần nhà cũ trong lúc chờ mở đường thì giữ lại kinh doanh, để xe, làm chỗ ở... được lúc nào hay lúc ấy. Do đó, đa số tuyến đường lớn, nhỏ tại TP.HCM đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những căn nhà phía trong xây dựng khang trang nhưng phần tiếp giáp đường thì nhếch nhác, cao thấp lổn nhổn.

“Cởi trói” để bớt lãng phí đất

“Những vấn đề này các quận, huyện đã nêu ra trong các lần họp giao ban với sở. Nghị định 186 chỉ nói chung là đường bộ thì không được xây dựng công trình, không nói rõ là đường nội đô hay tất cả đường giao thông. Quan điểm của sở là phải phân biệt ra hai trường hợp. Các đường giao thông như quốc lộ, đường liên tỉnh thì áp dụng theo Nghị định 186. Các tuyến đường trong thành phố thì vẫn cho phép xây dựng tạm. Bộ Xây dựng đã chấp thuận song phải chờ thêm ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải” - ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nói.

Theo ông Tuyến, lộ giới đường chỉ là một phần nhỏ của quy hoạch “treo”. “Nên cởi trói cho các khu vực đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch nhưng thực tế nhà dân đã ken đặc. Hiện những khu vực này không được chuyển mục đích sử dụng đất, không được xây dựng tạm, mà làm nông nghiệp lại càng không thể. Nếu để đất trống thì quá lãng phí trong khi dự án chưa biết đến khi nào mới triển khai” - ông Tuyến nhận xét. Quan điểm của Sở Xây dựng TP.HCM là không quá khắt khe để khỏi lãng phí đất. Trong giấy phép tạm cũng nêu rõ công trình phải phá dỡ vô điều kiện khi thực hiện dự án. Sở Xây dựng đang soạn thảo để trình UBND TP xem xét, chấp thuận cho cấp phép xây dựng tạm trong những trường hợp này.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP