Năm 2011 đã xảy ra hàng chục vụ tranh chấp về việc quản lý sử dụng phần chung, phí dịch vụ... tại các chung cư, có vụ người dân phải kiện ra tòa.
Theo nhiều chuyên gia, quy định về lĩnh vực này còn rất lỏng lẻo, chưa chi tiết, cụ thể, cần phải bổ sung…
Tháng 9-2011, đã có 22 hộ dân ở TP.HCM gửi đơn đến TAND một quận tại TP.HCM khởi kiện Công ty TNHH Đầu tư Phát triển nhà Q. yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng nhà ở và thanh toán lãi chậm giao căn hộ. Sau đó TAND quận này đã chính thức nhận đơn kiện của một số hộ dân.
Cãi nhau về phí dịch vụ, hầm để xe...
Theo nội dung đơn kiện, các hộ dân than phiền ngoài việc giao nhà chậm tiến độ thì chất lượng của căn hộ rất tệ. Chẳng hạn, vật tư trong hợp đồng là những loại đắt tiền, thiết kế “chuẩn” nhưng khi giao căn hộ thì không đúng như cam kết. Hệ thống thoát nước chung của chung cư bị nghẹt liên tục, hệ thống điều hòa bị thiếu hụt, không đủ chỗ đậu xe hơi, các vấn đề dân sinh khác cũng chưa đảm bảo...
Cũng trong năm 2011, xảy ra một vụ tranh chấp tầng hầm để xe chung cư T. (Hà Nội). Chủ đầu tư khẳng định bãi giữ xe thuộc sở hữu của mình và đơn phương áp đặt mức phí trông giữ xe ô tô, các cư dân ở đây lại cho rằng diện tích này thuộc sở hữu của mình và yêu cầu quyền được gửi xe với mức phí do UBND TP quy định. Phải đến sau khi Bộ Xây dựng vào cuộc thì mọi tranh cãi mới dịu xuống. Theo đó, Bộ Xây dựng khẳng định chi phí xây dựng tầng hầm được chủ đầu tư tính riêng, không phân bổ vào giá bán các căn hộ.
Chung cư Tản Đà, quận 5, TP.HCM đã từng xảy ra tranh chấp về phí giữ xe ở tầng hầm. Ảnh: HTD
|
Cần có luật chung cư?
Có ý kiến đề nghị nên ban hành luật chung cư để quy định chi tiết về sở hữu chung, riêng vì tương lai sẽ có rất nhiều tranh chấp liên quan. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng không nên bỏ Điều 225 BLDS mà chỉ cần bổ sung, làm rõ và quy định chi tiết là ổn. Theo đó, tài sản chung cần được hiểu là toàn bộ phần diện tích trang thiết bị dùng chung trong tòa nhà phục vụ cho nhu cầu thiết yếu mà trong cuộc sống hằng ngày các hộ dân chung cư cần và buộc phải sử dụng. Phải hiểu một yếu tố tài sản nào đó của khối bất động sản chung cư có chức năng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của nhiều người thì không thể là sở hữu riêng của cá nhân hay đơn vị nào...
13 tranh chấp điển hình
Các nhà chuyên môn đã liệt kê ra 13 loại tranh chấp điển hình phổ biến liên quan đến nhà chung cư và cho rằng sắp tới có nhiều vụ kiện tụng ra tòa:
1. Tranh chấp liên quan đến việc chủ đầu tư chưa đủ điều kiện nhưng vẫn huy động vốn, khách hàng đòi lại tiền, chủ đầu tư không có khả năng hoặc không muốn trả.
2. Chủ đầu tư đã khởi công dự án nhưng chậm tiến độ dẫn đến việc khách hàng đòi hủy bỏ hợp đồng hoặc đòi giảm giá tiền.
3. Khi giá nhà đất trên thị trường tăng, chủ đầu tư đòi khách hàng trả thêm tiền mới giao nhà.
4. Chủ đầu tư niêm yết giá bằng USD, khách hàng phản đối, chủ đầu tư không giao nhà hoặc khách hàng đòi hủy hợp đồng.
5. Khách hàng không chịu trả tiền đúng tiến độ, chủ đầu tư lâm vào tình trạng khó khăn tài chính, chậm tiến độ.
6. Chung cư, căn hộ không đạt chất lượng so với cam kết khiến khách hàng đòi lại tiền hoặc bồi thường thiệt hại.
7. Tranh chấp liên quan đến việc chủ đầu tư không giao giấy tờ chủ quyền nhà cho khách hàng theo cam kết và theo luật định.
8. Tranh chấp liên quan đến việc xác định nghĩa vụ và mức nộp tiền sử dụng đất.
9. Tranh chấp về phí quản lý và cách thức quản lý chung cư.
10. Tranh chấp về phần diện tích sử dụng chung giữa chủ đầu tư và người sở hữu căn hộ.
11. Tranh chấp về các vấn đề bảo trì, bảo hành chất lượng.
12. Tranh chấp về việc cung cấp dịch vụ độc quyền.
13. Tranh chấp liên quan đến cải tạo, phá dỡ chung cư cũ.
(TT tổng hợp)
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP