"Sổ đỏ”: tiền và phiền!

Cập nhật 07/11/2007 14:00

Trước thực trạng có tới 80% các cuộc khiếu kiện liên quan đến đất đai, đền bù, giải tỏa, ngày 6-11 Quốc hội đã dành cả ngày nghe và thảo luận về báo cáo tình hình chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - "sổ đỏ”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên báo cáo trước Quốc hội rằng Luật đất đai có hiệu lực từ năm 2003, chủ trương cấp "sổ đỏ” cũng khởi động từ đó. Theo kế hoạch, đến hết năm 2005, 64 tỉnh thành sẽ phải hoàn thành. Mốc hạn này đã được dời tới năm 2006. Tuy nhiên đến 30-9-2007 mới có 37 địa phương đạt được 70% kế hoạch, 27 tỉnh thành còn lại vẫn còn hơn nửa phần việc chưa xong.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nêu thêm: tại một số địa phương, giấy đã hoàn thành nhưng người dân chưa đến nhận. Có nơi như Hà Nội chỉ có 23,8% các tổ chức được cấp "sổ đỏ”, Bắc Giang là 37,08%.

“Lạm phát” giấy chứng nhận bất động sản

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân khi thực hiện nhiệm vụ này vẫn chưa được ngăn chặn. Sai sót trong thi hành cấp “sổ đỏ” vẫn còn phổ biến.

Ông Nguyên báo cáo trở ngại đầu tiên là công tác quản lý của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả: tổng số các văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện công tác cấp “sổ đỏ” từ Chính phủ đến các bộ ngành hiện đã là con số 40. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở nhiều tỉnh, huyện vẫn chưa được thành lập. Việc lập bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ địa chính còn dở dang, số liệu không chính xác, hồ sơ hỏng, thiếu, thất lạc... dẫn đến số liệu thực tế và sổ sách không thống nhất...

Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) nêu thực trạng “lạm phát” giấy chứng nhận bất động sản ở VN với bốn loại giấy dân phải xin: Thứ nhất, “sổ đỏ” cấp theo Luật đất đai năm 1993. Thứ hai là “sổ đỏ” cấp theo Luật đất đai năm 2003.

Thứ ba, “sổ đỏ” và nhà ở tại đô thị, cấp theo nghị định 60 (sổ hồng cũ). Thứ tư, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo Luật nhà ở (sổ hồng mới). “Đó là chưa kể các loại giấy khác được coi là hợp lệ, đã tạo nên một quá trình đăng ký không thống nhất, với nhiều mẫu giấy khác nhau, khiến người dân gặp không ít khó khăn, gian khổ”.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương), có bốn nhóm nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém của công tác cấp “sổ đỏ”. Trong đó, có một nguyên nhân được đại biểu Hợp chỉ ra thẳng thắn là: tiền và phiền! Theo ông Hợp, hiện chỉ đi nộp tiền, người dân phải đi lại 3-5 lần, rất phiền hà và tốn kém.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) khẳng định “thủ phạm” của sự rối rắm là do Luật nhà ở cản trở Luật đất đai. Ông nói: Luật đất đai đã xác lập quyền sở hữu tài sản trên đất và bảo hộ quyền đó, từ đây người dân có thể dựa vào để mua bán, thế chấp, cho, tặng... Mọi chuyện vẫn đang trôi chảy thì Luật nhà ở lại ban hành thêm “giấy hồng” và khẳng định: “Giấy hồng” là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu thực hiện các quyền sở hữu tài sản trên đất. Thế là việc qui hoạch, quản lý và cấp “sổ đỏ” trở nên khó khăn.

Đề nghị giảm phí

Phát biểu về tình trạng nhiều nơi, “sổ đỏ” đã làm xong nhưng người dân không đến nhận, thậm chí không biết bao giờ có thể nhận vì họ không đủ tiền đóng các loại phí kèm theo, đại biểu Nguyễn Danh nói là do người sử dụng đất đang phải chịu các nghĩa vụ tài chính như lệ phí địa chính, lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất...

Theo ông Danh, mức đóng như vậy là cao. Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cũng đồng tình như vậy và kiến nghị Chính phủ xem xét lại những qui định về nghĩa vụ tài chính khi đăng ký “sổ đỏ” theo hướng giảm thiểu các khoản phí và lệ phí, nhất là người dân ở vùng khó khăn, vùng nông thôn nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) nêu thực trạng ngay tại thủ đô vẫn còn hơn 65.000 trường hợp có sổ nhưng không đến nhận vì... phí! Những người làm “sổ đỏ” năm 2005 đến năm 2006 thực tế đã phải nộp lệ phí trước bạ cao gấp 8-15 lần năm 2004. Do vậy, ông Thái đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ cho phép được ghi nợ cả lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền khi cấp “sổ đỏ” lần đầu để giúp người nghèo có “sổ đỏ”.

40

Đó là tổng số các văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện công tác cấp "sổ đỏ” từ Chính phủ đến các bộ, ngành hiện nay.


* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Xử lý thuận lợi nhất cho dân

Chia sẻ với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội sáng 6-11 về những bức xúc của người dân liên quan tới giấy tờ nhà đất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ xử lý sao cho thuận lợi nhất, đảm bảo sự cần thiết cho người dân. Theo Thủ tướng, thực tế trước đây có trường hợp đất cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng, nhà cần giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà riêng. Tuy nhiên, vấn đề này tới đây sẽ được Chính phủ tháo gỡ theo hướng một giấy chứng nhận.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Hùng Cường - bộ trưởng Bộ Tư pháp - cũng bức xúc với việc tồn tại quá nhiều đầu mối đăng ký nhà đất và cần phải có sự tập trung lại để tạo thị trường bất động sản công khai. Về việc Bộ Tài nguyên - môi trường kiến nghị chuyển việc quản lý đăng ký nhà đất về Bộ Tư pháp, ông Cường nói Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng hiện đang nghiên cứu trước khi có quyết định chính thức về vấn đề này.

* Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

Luật không sai, vận dụng sai

Luật qui định đúng nhưng thực hiện trong thực tế gây phiền nhiễu, khó khăn, có tính vụ lợi cá nhân. Khi tôi còn là chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội khóa XI, tôi đều khẳng định một giấy và tư tưởng đó đã thể hiện trong điều 48 Luật đất đai. Qui định như vậy vì đất là sở hữu toàn dân, tôi giao cho anh thì tôi phải cấp giấy cho anh, còn nhà là sở hữu cá nhân, tôi không thể xác nhận nhà của anh.

Tôi rất mừng Chính phủ kỳ này tuyên bố trước Quốc hội là chỉ cấp một giấy chứng nhận, Ủy ban Kinh tế cũng nói một giấy. Vấn đề bây giờ là Chính phủ phải giải thích, hướng dẫn và cụ thể hóa bằng một văn bản của Chính phủ. Chính phủ phải đưa ra quyết tâm năm nào hoàn thành. Bây giờ nói cơ bản hoàn thành nhưng cơ bản phải là mức nào. Việc chậm trễ phải phân tích những yếu tố khách quan. Do điều kiện lịch sử để lại rất phức tạp, phần lớn đất đai không rõ nguồn gốc. Về trách nhiệm thì có vấn đề cấp trên tập trung chưa cao để có những văn bản mang tính chất hệ thống cụ thể hướng dẫn cấp dưới. Trách nhiệm cụ thể đương nhiên là Chính phủ.

* Đại biểu Võ Đình Tuyến (Bình Phước):

Ai cũng biết sai nhưng không sửa

Tại Bình Phước, thực tế còn tình trạng ở một số xã, dân cư đã ổn định lâu đời trước năm 1975 và trước khi có quyết định thành lập các lâm trường. Nhưng gần 20 năm sau, khi chúng ta thành lập các lâm trường, các khu dân cư này lại bị qui vào đất lâm nghiệp.

Người dân vì thế không làm được “sổ đỏ”, không được vay vốn ngân hàng, không yên tâm sản xuất. Dân kiến nghị hết năm này qua năm khác, cán bộ địa phương chỉ có một câu trả lời duy nhất là đất lâm nghiệp phải đợi Chính phủ quyết định. Trả lời như vậy là bế tắc. Cội nguồn là đất ở, đất thổ cư. Do chúng ta làm sai, chụp lên nó mác đất lâm nghiệp, ai cũng biết việc này sai nhưng vẫn không dũng cảm để sửa.

Theo Tuổi Trẻ