Từ đầu quý II/2012, bên cạnh những than phiền về hiệu quả thực tế của việc hạ lãi suất đối với DN BĐS, đã có một số ngân hàng lớn “mạnh dạn” hợp tác với nhiều chủ đầu tư địa ốc cho vay mua sản phẩm nhà ở. Chỉ tiếc rằng số lượng DN được tiếp cận hầu bao của nhà băng chẳng là bao so với lượng đang dài cổ “ngóng” vay tiền.
Khi bức tranh BĐS đặc một màu tối, hàng tồn, hàng ế vẫn chềnh ềnh không ai mua, song song với những công trình dở dang vì thiếu vốn, việc ngân hàng đột xuất hỗ trợ chủ đầu tư trong việc hỗ trợ lãi suất khủng cho khách hàng mua nhà hoàn toàn là điều đáng mừng. Chẳng thế mà mỗi khi chủ đầu tư công bố mở bán, khai trương cắt nóc công trình, thì khách hàng tại buổi lễ hầu như chỉ tập trung tới vấn đề cho vay để mua sản phẩm nhà ở. Bởi lẽ, ai cũng hiểu, đến “khó tính” như Ngân hàng mà còn gật đầu mở hầu bao thì chắc chắn dự án đó được đảm bảo về tính pháp lý cũng như độ thanh khoản trong tương lai không xa.
Ngoài ra, sau quá nhiều cú sốc vì ăn trái đắng, xơi quả lừa trên thị trường địa ốc, khách hàng hay thậm chí cả nhà đầu tư đã trở nên quá cảnh giác và “chai lì” trước những thông số đầy hấp dẫn tung ra bởi các chủ đầu tư hay các sàn giao dịch BĐS. Giờ đây, dù rất muốn mua sản phẩm nào đó để phục vụ nhu cầu thực bản thân, người mua luôn đòi hỏi tính minh bạch, công khai về mọi thông tin của dự án. Bên cạnh tiến độ, giá bán, thủ tục sang tên, góp vốn…yếu tố thương hiệu cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc xuống tiền hay không của khách hàng. Do đó, thương hiệu vẫn luôn là cứu cánh cần thiết cho DN mỗi khi “lâm nguy”.
Minh chứng là trường hợp của Công ty CP Cơ khí Xây dựng Đại Mỗ (COMA6). Cuối tháng 6 vừa qua, Cty này đã tổ chức cắt nóc dự án khu chung cư cao cấp Dream Tower và ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tín dụng cho khách hàng mua căn hộ dự án. Bên cạnh những lợi thế như thông tin rõ rệt về diện tích xây dựng, mật độ cây xanh, vị trí trung tâm….giá cam kết bán ra thị trường của chủ đầu tư cũng không phải quá rẻ so với mặt bằng chung (17,8tr/m2). Điều thuyết phục gần 200 khách hàng tới tham dự buổi lễ ngay tại công trình đang hoàn thiện này chính là sự có mặt của “ông lớn” BIDV. Chính đại diện từ phía Ngân hàng khẳng định: BIDV dựa theo đánh giá năng lực, khả năng, tính chuyên nghiệp và sự ổn định về tài chính của chủ đầu tư để “chọn mặt gửi vàng”. COMA là một thương hiệu đáng tin cậy và đã khẳng định được vị thế của mình trong ngành xây dựng nói chung cũng như thị trường BĐS nói riêng. Thị trường đang rất cần những chủ đầu tư chuyên nghiệp như COMA, và những dự án tốt, đủ pháp lý và phù hợp với mục đích mua ở cũng như đầu tư của nhiều đối tượng khách hàng.
Tiếp đến phải kể ra những cái tên như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, VIB… với các gói tín dụng bất động sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng, giá trị cho vay lên tới 70 - 90% giá trị căn hộ. Cụ thể, Vietcombank chính thức gia hạn thêm thời gian cho vay 0% lãi suất thêm một tháng (từ 5/8 đến 5/9/2012) đối với khách hàng đăng ký mua căn hộ tại dự án Indochina Plaza Hà Nội (IPH). Bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, VietinBank đã triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở. Đây cũng là chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất lớn nhất từ trước đến nay của VietinBank dành riêng cho khách hàng cá nhân… Nhưng đại diện của Vietin Bank cũng khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng sẵn sàng chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, vì điều này cũng liên quan đến cả hiệu quả hoạt động của chính các ngân hàng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ là phải có lựa chọn, sàng lọc. Nói cách khác, các ngân hàng sẽ không thể tiến hành cho vay tràn lan được, mà phải thẩm định kỹ uy tín, năng lực của chủ đầu tư, chất lượng, tiến độ, vị trí, giá bán của dự án...Đây lại xuất hiện bài toán về thẩm định năng lực, thẩm định dự án, thậm chí cả chuyện đi đêm với ngân hàng. Nếu công tác thẩm định này thiếu tính khách quan và chuyên nghiệp (có thể thông qua một tư vấn thẩm định nước ngoài), chắc chắn sẽ có những điều tiếng không hay xung quanh việc thiên vị một số ít DN. Thêm nữa, tác dụng của việc đồng hành cùng DN của Ngân hàng sẽ phản tác dụng nếu DN đó “qua mắt” nhà băng bằng cách vận động hành lang.
Cuối cùng, các chủ đầu tư, các dự án được các ngân hàng hợp tác phần lớn thuộc phân khúc trung-cao cấp – phân khúc vẫn có khoảng cách quá xa so với khả năng chi trả của những người có nhu cầu thực. Vì vậy sự ‘mạnh tay’ của các ngân hàng sẽ không mấy tác động lên những người có nhu cầu thực nhưng thực sự ‘yếu tim’ khi nghĩ đễn vay nợ ngân hàng để mua nhà.“Yếu tim” vì các gói tín dụng ưu đãi đều có thời hạn ngắn, dài nhất là năm đầu tiên. Còn thời gian còn lại cho khoản vay là 10 năm, 15 năm tiếp theo thì sao? Ai dám chắc các ngân hàng sẽ giữ nguyên lãi suất (hoặc lãi suất sẽ giảm di?) trong khoảng thời gian dài này.Trong khi đó, những người có nhu cầu thực sự về nhà ở (và đa phần là có thu nhập ở mức trung bình tại đô thị loại 1 như Hà Nội hay TP.HCM) lại chính là những người thực tế hơn. Mạo hiểm là những thứ chỉ có nhà đầu tư, đầu cơ chấp nhận được. Còn với những người mua nhà để ở thì họ không dễ chấp nhận mạo hiểm để rồi è cổ trả nợ cả vốn lẫn lãi.Họ sẽ hướng tới phân khúc nhà có thu nhập thấp, nhà giá rẻ. Tiếc thay, phân khúc này không nằm trong những dự án mà các ngân hàng lựa chọn. Thôi thì người có nhu cầu thực, chủ đầu tư những dự án nhà giá rẻ, nhà TNT, cứ lặng lẽ chờ đợi tới khi Ngân hàng “quan tâm” và bắt tay để hợp tác. Còn lâu lắm…
DiaOcOnline.vn - Theo Báo xây dựng